Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, nam thanh niên trên đang được điều trị hồi sức tích cực. Bệnh nhân đã có huyết áp trở lại, tuy nhiên, tiên lượng rất nặng do não bị thiếu ô xy lâu.
Trước đó, tại giải chạy marathon tại Hà Nội diễn ra sáng 14.4, một vận động viên là nam thanh niên 34 tuổi bất ngờ ngã gục khi gần về vạch đích.
Thời điểm này, vận động viên có tình trạng ngưng tim, được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ và được chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 (Q.Tây Hồ, Hà Nội) cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhân được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Bạch Mai, được kíp cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Bạch Mai tăng cường hỗ trợ trực tiếp tại bệnh viện và được chuyển về điều trị Bệnh viện Bạch Mai trưa 14.4.
“Với trường hợp trên, dù được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực ngay khi xảy ra sự cố nhưng hầu như không hiệu quả”, một bác sĩ cho hay.
Lý giải về nguyên nhân ép tim không thành công khi cấp cứu ngưng tim, một bác sĩ tim mạch chia sẻ: “Do tình trạng bệnh, nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim, ngưng tim cần được sốc điện thì tim mới đập được trở lại, chứ ép tim không thì không hiệu quả”.
Với sức khỏe của nam vận động viên trên, bác sĩ này cũng lo ngại đánh giá: “Hiện, bệnh nhân tiên lượng rất nặng. Các bác sĩ vẫn đang huy động mọi kỹ thuật, thiết bị tối ưu nhất để cứu chữa”.
Bác sĩ tim mạch cũng lưu ý, phần lớn các tình huống ngưng tim hoặc đột tử trong thi đấu hoặc chơi các môn thể thao xuất phát từ căn nguyên tim mạch, có bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.
Để ngừa các biến cố, rủi ro sức khỏe khi tham gia thể thao, bất cứ vận động viên nào, dù chuyên nghiệp hay các giải cộng đồng, cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về sức khỏe, sự tập luyện trước cuộc thi. Việc sàng lọc và kiểm tra sức khỏe toàn diện, đặc biệt là sức khỏe tim mạch, nên được chú ý hơn ở các trường hợp này.