Với cả nam giới và phụ nữ, những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng chậm tiểu này là do tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn một số thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc pseudoephedrine. Cả hai đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động của bàng quang, dẫn đến bất thường khi đi tiểu, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Ngoài ra, một số rối loạn thần kinh, như bệnh đa xơ cứng, có thể gây cản trở kết nối tín hiệu giữa não và bàng quang. Hệ quả là khiến người bệnh muốn đi tiểu nhưng cần thời gian để não gửi tín hiệu đến bàng quang. Nhưng nhìn chung, hầu hết các trường hợp chậm tiểu là bắt nguồn từ một nguyên nhân cụ thể chứ không phải do vài nguyên nhân.
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây chậm tiểu là do phì đại tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt phình to sẽ làm chèn ép lên niệu đạo. Hệ quả là gây chậm tiểu, tiểu gấp, tiểu đêm và dòng nước tiểu yếu.
Phì đại tuyến tiền liệt còn được gọi là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt và không phải là ung thư. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san StatPearls cho biết khoảng 90% nam giới từ 70 tuổi trở lên sẽ mắc phì đại tuyến tiền liệt.
Một nguyên nhân khác gây chậm tiểu, khó tiểu là viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san American Family Physician cho biết đau vùng chậu và các triệu chứng đường tiết niệu dưới liên quan đến tiểu tiện thường là dấu hiệu ban đầu của viêm tuyến tiền liệt. Người mắc còn có thể bị sốt, buồn nôn và ớn lạnh.
Để điều trị, bác sĩ sẽ kê kháng sinh, thuốc giảm đau và yêu cầu người bệnh uống nhiều nước. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh cần phải nhập viện hoặc điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
Tiểu chậm nếu mới xuất hiện thì chưa phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và ngày càng nghiêm trọng thì cần phải sớm khám bác sĩ. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng thì phải được điều trị. Việc trì hoãn có thể khiến nhiễm trùng lan đến bàng quang, thậm chí gây tổn thương thận, theo Medical News Today.