Vừa qua, một số cơ sở y tế ghi nhận trẻ nhỏ bị rận mu sinh sống đẻ trứng ở mi mắt. Gần đây nhất là trường hợp bé gái 5 tuổi ở Cần Thơ. Bé gái này đã được các bác sĩ phát hiện bị rận mu ở mi chi chít, khi được gia đình đưa đến khám bệnh do ngứa nhiều ở mắt.
Tại Hà Nội, thông tin từ Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng T.Ư (NIMPE), đơn vị đầu ngành về ký sinh trùng thuộc Bộ Y tế, cũng cho biết, các ca bệnh rận mu không hiếm gặp. Tỷ lệ bệnh nhân nam, nữ đến khám do bệnh rận mu tương đương nhau. Bệnh nhân lớn tuổi nhất từng ghi nhận là trên 60 tuổi.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (NIMPE), rận mu có tên gọi là rận càng cua bởi chúng có hai càng giống như càng cua. Nhưng vì rận này chỉ sống ở vùng có lông tóc và ẩm, mà môi trường chúng thích hợp nhất là vùng sinh dục, nên người dân hay gọi là rận mu.
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, rận mu chỉ có thể sống ở lông mi, vì nó phù hợp với điều kiện “cư trú” của loài côn trùng này.
Nếu với người lớn, rận mu chủ yếu lây qua tình dục, thì với trẻ nhỏ, nguyên nhân nhiễm phải rận, trứng rận thường do yếu tố vệ sinh trong gia đình không đảm bảo. Có thể, người lớn có rận, trứng rận mu rồi làm vương vãi ra giường, chăn gối, rồi từ chăn, gối, giường chúng “lạc” sang trẻ nhỏ.
“Có trường hợp, hai trẻ sinh đôi bị rận mu ở mi mắt được gia đình đưa đến khám tại phòng khám của viện. Khi các bác sĩ tìm nguồn lây, hai bố mẹ đều không bị, nhưng người giúp việc trông hai trẻ thì có nhiễm rận này”, bác sĩ Dũng lưu ý.
Ngăn ngừa rận mu lây lan
Theo NIMPE, rận càng cua thường thấy ở lông vùng mu. Nếu bị nhiễm nặng có thể phát tán đến các vùng lông khác trên cơ thể như lông ngực, lông đùi, lông nách, lông mày và râu. Rận này phát tán chủ yếu qua tiếp xúc như hoạt động tình dục hoặc các hoạt động tiếp xúc giữa con người.
Lý giải về việc rận mu đi lạc đến râu ở vùng mặt là nơi không liên quan đến nơi rận này sinh sống, một chuyên gia của NIMPE, cho hay: “Có thể do một số tình huống trong sinh hoạt tình dục, rận này đã bám vào râu. Tuy nhiên, chúng thường không sinh sống được ở râu, tóc do không có đủ độ ẩm thích hợp”.
Để ngừa nhiễm rận mu, cần sinh hoạt tình dục lành mạnh. Trong gia đình, nếu người lớn mắc bệnh, cần đi khám và chữa triệt để và cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, để tránh nguy cơ rận mu lây sang trẻ nhỏ.
“Rận mu không khó điều trị nhưng cần được sử dụng đúng thuốc bôi. Các cách chữa bệnh theo kinh nghiệm “truyền miệng” được chia sẻ trên mạng không diệt được loại rận này, không làm hết được trứng rận mu, do đó không thể hết được bệnh”, bác sĩ Dũng lưu ý.
Ở người lớn, các trường hợp bị rận mu đến khám tại phòng khám của chuyên khoa của Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng T.Ư trong tình trạng bị ngứa rất nhiều. Rận này thường gây ngứa ban đêm, rất khó chịu. Với trẻ bị rận mu, thường là phát hiện ở lông mi; hoặc đôi khi có thể có ở lông mày.
Rận mu thường hoạt động mạnh, cào cấu da và hút máu vào ban đêm, gây ngứa ngáy khó chịu. Các vết xước da khi gãi rất dễ bị bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập.
Các trường hợp nghi mắc rận mu hoặc các bệnh do ký sinh trùng, côn trùng có thể khám tại viện chuyên khoa; phòng khám chuyên khoa của các bệnh viện có chuyên khoa về bệnh nhiệt đới.
(NIMPE)