Sáng 27.4, tại TP.Huế (Thừa THiên – Huế), Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế phối hợp với Hội Tim mạch Thừa Thiên – Huế tổ chức hội nghị Tim mạch cố đô mở rộng lần thứ ba, năm 2024 với chủ đề “Tiếp cận toàn diện bệnh lý tim mạch và đồng mắc”.
Tham dự hội nghị có 75 chủ tịch đoàn và báo cáo viên là các giáo sư, phó giáo sư, y bác sĩ đầu ngành về tim mạch trong nước và quốc tế (các nước Đức, Pháp, Mỹ, Singapore, Malaysia, Cuba…). Đặc biệt có GS Krishna Reddy đến từ tổ chức phát triển Tim mạch châu Á Thái Bình Dương (APAC), Tổ chức sức khỏe quốc tế ACCESS.
Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các hội chuyên ngành liên quan như đái tháo đường, tim mạch can thiệp, thần kinh đột quỵ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim…
Báo cáo đề dẫn hội nghị, GS- TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Thừa Thiên – Huế, cho biết bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%, trong đó, bệnh mạch máu não (55,4%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (32%), bệnh tim do tăng huyết áp (6,9%) và bệnh tim mạch khác (5,7%)…
Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay. Gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là gánh nặng về bệnh lý tim mạch và xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi lao động
Hội nghị đã nghe trình bày 103 bài báo cáo khoa học về nghiên cứu, điều trị các bệnh về tim mạch mới của Việt Nam và thế giới. Mục tiêu của hội nghị tim mạch cố đô nhằm phát huy nội lực, chung sức phòng chống bệnh lý tim mạch và các bệnh đồng mắc, góp phần mang lại sức khỏe cho bệnh nhân.