Xử lý nguồn ô nhiễm không khí để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, tăng cường phát triển và nâng cao năng suất là ý kiến của các cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày môi trường thế giới 5.6 năm nay.
Tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm do ô nhiễm không khí
Tháng 3 năm nay, một cuộc khảo sát thường niên của IQAir xếp Việt Nam là quốc gia ô nhiễm cao thứ 2 trong khu vực ASEAN và có chất lượng không khí kém thứ 22 trên toàn cầu. Hà Nội được xếp hạng thành phố ô nhiễm thứ 8 trên thế giới.
Những số liệu thống kê ô nhiễm không khí mới nhất vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại.
Chất lượng không khí kém là nguy cơ lớn đối với sức khỏe ở Việt Nam và trên toàn cầu. Tất cả chúng ta đều biết về các nguy cơ sức khỏe khi hút thuốc lá. Nguy cơ sức khỏe khi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao cũng tương tự như vậy.
Ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và ít nhất 70.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, khiến tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm.
Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn những người khác, bao gồm những người mắc các bệnh về phổi; trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của phổi.
Cạnh đó là người cao tuổi; người mắc bệnh tim mạch; người làm việc ngoài trời; người sống hoặc làm việc gần các nguồn ô nhiễm. Phụ nữ mang thai và thai nhi phải đối mặt với những nguy cơ đặc biệt, phơi nhiễm trong thời kỳ mang thai có liên quan đến tình trạng đẻ non và thiếu cân khi sinh.
Ước tính khoảng 7% tổng số ca tử vong là do ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Ô nhiễm không khí trong nhà
Ô nhiễm không khí trong nhà cũng là một nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong. Trong năm 2020, ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân gây ra gần một nửa số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, bao gồm cả những cái chết bi thảm của hơn 237.000 trẻ em dưới 5 tuổi.
Một nghiên cứu mới trên 15.000 trẻ em ở TP.Hồ Chí Minh đã chứng minh mối liên hệ giữa các triệu chứng đường hô hấp và chất lượng không khí kém trong nhà do hút thuốc thụ động và nấu ăn bằng than, củi hoặc dầu hỏa. Ô nhiễm không khí trong nhà cũng có tác động khác biệt về giới tính, khi mà phụ nữ có xu hướng tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà nhiều hơn nam giới.
Ô nhiễm không khí làm giảm năng suất của người lao động, tác động tiêu cực đến năng suất cây trồng và chăn nuôi, giảm doanh thu du lịch trong nước và quốc tế cũng như đầu tư quốc tế và gây thiệt hại cho các công trình di sản do mưa a xít, làm suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Ngân hàng Thế giới ước tính ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại về xã hội và kinh tế cho Việt Nam, bao gồm cả tử vong sớm và bệnh tật, lên đến hơn 13 tỉ USD mỗi năm. Con số này tương đương với 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.
Có một tin tốt là việc tăng cường hành động để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí sẽ mang lại lợi ích đáng kể, bao gồm góp phần đáp ứng các mục tiêu giảm nhẹ về khí hậu, cho phép tiếp cận nhiều hơn với năng lượng sạch và tăng cường quản lý môi trường, đồng thời luôn làm cho các thành phố trở nên đáng sống và bền vững hơn. Sức khỏe được cải thiện cũng cho phép đạt được kết quả giáo dục và năng suất lao động.
Khôi phục bầu trời xanh và không khí trong lành
Ngày Môi trường thế giới 5.6 năm nay cũng là lời kêu gọi hành động để khôi phục bầu trời xanh và không khí trong lành tại Việt Nam.
Hành động này có thể bắt đầu từ cấp độ cá nhân: mọi người có thể thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân và con em mình khỏi tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Nhưng điều quan trọng là phải nhận ra rằng, khả năng tiếp cận các biện pháp này là không đồng đều – ví dụ, nhiều người làm việc ngoài trời và không thể chỉ ở trong nhà cho đến khi không khí trong lành.
Do đó, việc giải quyết ô nhiễm không khí một cách hiệu quả đòi hỏi phải có thay đổi ở cấp chính sách, công nghiệp và cấp ngành.
Dưới sự lãnh đạo tích cực của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu hành động đầy tham vọng về biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế đã công bố Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), nhằm mục đích giải phóng nguồn tài chính để hỗ trợ đất nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Gần đây hơn, Việt Nam cũng đã gia nhập Liên minh hành động về biến đổi khí hậu và sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Liên Hiệp Quốc hoan nghênh những cam kết này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cơ hội để tăng cường hành động hơn nữa.
Các chiến lược đã được chứng minh là có hiệu quả ở các thành phố và quốc gia khác bao gồm: tăng cường giám sát, dự báo và cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho công chúng; các biện pháp giúp bảo vệ trẻ nhỏ và những người dễ bị tổn thương nhất, như tăng cường các hệ thống trong và xung quanh trường học, trung tâm giữ trẻ và bệnh viện.
Các biện pháp giảm nhẹ ngắn hạn, như: giảm số lượng phương tiện trên đường, tạm dừng hoạt động xây dựng và công nghiệp. Đẩy nhanh điện khí hóa giao thông công cộng và khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe điện.
Các bước tăng cường quản lý chất thải, đặc biệt là chấm dứt việc đốt rác và giảm dần việc đốt rơm rạ và sinh khối; hỗ trợ các hộ gia đình tiếp cận các nguồn năng lượng sạch hơn, bao gồm cả năng lượng để nấu ăn.Đẩy nhanh hành động để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn…
Ngoài ra, sẽ có nhiều cơ hội sắp tới để tăng cường hành động bằng các luật và chính sách khác nhau.