Tim nằm ở bên trái lồng ngực nên một số quan điểm cho rằng ngủ nghiêng sang bên trái có thể gây sức ép lên tim. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, theo chuyên trang sức khỏe Prevention.
Với người khỏe mạnh thì ngủ nghiêng bên trái hay bên phải đều không mấy quan trọng. Vì cơ thể khỏe mạnh nên ngủ tư thế nào cũng có thể mang lại cảm giác thoải mái.
Tuy nhiên, những người bị suy tim hoặc đang dùng máy điều hòa nhịp tim thì có thể không cảm thấy thoải mái khi ngủ nghiêng bên trái. Trong những trường hợp này, người bệnh thường thích ngủ nghiêng về bên phải hơn.
Ngoài ra, một số người có vấn đề về tim thì khi ngủ nghiêng bên trái dễ cảm thấy các triệu chứng như đánh trống ngực, nhịp tim nhanh. Khi đó, người bệnh có thể ngủ nghiêng sang phải.
Thế nhưng, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh ngủ nghiêng bên trái có khả năng khiến chứng loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn. Do đó, lời khuyên của các chuyên gia dành cho những người mắc bệnh tim là nếu tư thế ngủ nào khiến tim họ cảm thấy khó chịu thì hãy đổi sang tư thế ngủ khác.
Hiện tại, các nghiên cứu khoa học chưa có đủ bằng chứng để xác định một tư thế ngủ nào là tốt nhất cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, có một số tư thế mà người bệnh cần tránh. Chẳng hạn, những người suy tim cần tránh ngủ ngửa. Tư thế nằm ngửa này làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn phổi ở những người bị suy tim sung huyết. Vì vậy, người bệnh thường kê cao gối khi ngủ.
Giấc ngủ chất lượng vô cùng quan trọng với những người mắc bệnh tim. Chứng ngưng thở khi ngủ không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Ngay cả với người khỏe mạnh, ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ huyết áp cao, rung tâm nhĩ, suy tim, tăng huyết áp phổi và nhiều dạng bệnh tim khác.
Những triệu chứng thường gặp của ngưng thở khi ngủ là giật mình nửa đêm, ngáy, thường xuyên buồn ngủ ban ngày. Người mắc cần được khám và điều trị thích hợp, nhờ đó sẽ tránh tác động tiêu cực đến tim, theo Prevention.