Tiến sĩ Natalie Dautovich, Đại học Virginia Commonwealth, thành viên tại Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, trong nghiên cứu khoa học về cách thức thay đổi chu kỳ ngủ-thức hằng ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động, đã xem xét các quá trình hàng ngày, bao gồm cả giấc ngủ.
Ngủ trưa có tốt?
Theo chuyên gia Natalie Dautovich, ngủ trưa có thể mang lại lợi ích về năng lượng, chức năng nhận thức và khả năng sáng tạo trong thời gian ngắn. Hơn nữa, ngủ trưa có thể là giải pháp ngắn hạn giúp cải thiện sự tỉnh táo nếu không ngủ đủ giấc vào ban đêm.
Tuy nhiên, ngủ trưa có nhược điểm là có thể cản trở giấc ngủ đêm và gây cảm giác uể oải khi thức dậy.
Ngủ trưa tối đa 20 phút
Ngủ trưa có thể tập thành thói quen. Nếu tập một cách nhất quán, cơ thể sẽ học cách chìm vào giấc ngủ nhanh chóng. Áp dụng phương pháp thử và sai có thể giúp bạn xác định liệu ngủ trưa có tốt cho mình hay không.
Thử thách của việc ngủ trưa là tìm ra thời lượng và thời điểm thích hợp để ngủ. Có thể ngủ trưa ở bất cứ nơi nào an toàn và thoải mái. Tuy nhiên, hãy ngủ vào giữa buổi chiều (từ 13 – 15 giờ), vì ở thời điểm này, sự tỉnh táo tự nhiên sẽ giảm xuống theo chu kỳ sinh học.
Hãy bắt đầu bằng cách tập ngủ trưa vào khung giờ trên trong tối đa 20 phút, vài ngày trong tuần, theo Medical Express.
Sau đó, đánh giá xem liệu ngủ trưa có cải thiện tâm trạng hoặc hoạt động hay cản trở giấc ngủ về đêm hay không và giúp cơ thể bạn có thời gian hình thành thói quen ngủ trưa. Để đảm bảo giấc ngủ vào ban đêm, hãy tránh ngủ trưa quá muộn hoặc quá lâu.
Ngủ trưa dưới 20 phút vào giữa buổi chiều có thể giúp bạn nạp lại năng lượng.
Trong khi đó, ngủ từ 20 – 60 phút có thể gây ra cảm giác uể oải hoặc tâm trạng không tốt. Và ngủ từ 60 – 90 phút có thể cản trở giấc ngủ đêm.
Để đảm bảo giấc ngủ đêm, cần tránh ngủ trưa quá nhiều hoặc quá gần với giờ đi ngủ vào ban đêm, vì điều này có thể khiến bạn khó ngủ hoặc giấc ngủ không sâu.
Ngoài ra, buồn ngủ vào ban ngày quá mức có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.