Chiều nay 20.6, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ Khoa Nội thận – tiết niệu của bệnh viện đang điều trị nam bệnh nhân là ông T.T.A (71 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi nhiều, nôn khi ăn, uống. Bệnh nhân có các chỉ số xét nghiệm cho thấy tình trạng suy thận cấp.
Theo thông tin từ gia đình người bệnh, trước nhập viện 3 ngày, bệnh nhân đi làm ruộng từ 7 giờ sáng đến trưa, giữa thời tiết nắng nóng. Trong suốt thời gian này, bệnh nhân chỉ mang theo 500 ml nước để uống.
Ngay hôm sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khó chịu, nôn khi ăn và uống nước, được gia đình đưa vào cơ sở y tế gần nhà để theo dõi điều trị. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có tình trạng tăng ure, creatinin máu và được chẩn đoán bị suy thận cấp do thiếu nước.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng của suy thận cấp là tăng kali máu (kali máu là 6,7 µmol/lít, so với chỉ số bình thường là 3,5 – 5 mmol/l), tiên lượng phải lọc máu nên được chuyển đến Khoa Nội thận – tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang để tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đang dần ổn định, chức năng thận có dấu hiệu phục hồi.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận – tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, với bệnh nhân suy thận cấp, trong giai đoạn phục hồi sẽ tiểu nhiều hơn. Do đó, trong giai đoạn này, các bác sĩ phải theo dõi sát việc tiểu tiện của bệnh nhân để có kế hoạch bù nước và điện giải phù hợp. Nếu không bù đủ dịch và điện giải trong giai đoạn này thì bệnh nhân có nguy cơ rơi vào tình trạng rối loạn điện giải, mất nước, nguy hiểm cho sức khỏe.
“Hiện bệnh nhân bài tiết được 5 lít nước tiểu trong một ngày. Bệnh nhân cần được theo dõi và bù lượng dịch tương đương. Nếu tình trạng tiến triển tốt, bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới”, bác sĩ Tuyên nói.
Về nguyên nhân gây suy thận cấp của bệnh nhân trên, bác sĩ Tuyên lưu ý, trời nắng nóng khiến cơ thể mất nước nhiều, mất điện giải. Nếu không được bù nước đúng mức sẽ dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm cung lượng máu đến mô và các cơ quan, đặc biệt là thận sẽ gây ra tình trạng suy thận cấp.
Cũng theo bác sĩ Tuyên, khi trời nắng nóng, nếu chỉ làm việc trong môi trường bình thường, không quá nặng nhọc thì mỗi ngày có thể cần phải bù 3 – 4 lít nước. Với trường hợp phải làm việc trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt như bệnh nhân nêu trên thì mức bù nước phải nhiều hơn. Trong khi đó, nam bệnh nhân 71 tuổi này lại chỉ uống 500 ml nước trong suốt buổi sáng, dẫn đến tình trạng mất nước nặng.
Theo Bệnh viện đa khoa Đức Giang, nắng nóng cao điểm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng suy thận cấp do mất nước. Trên thực tế, trong năm 2023, trong 2 tháng cao điểm nắng nóng, Khoa Nội thận – tiết niệu đã tiếp nhận 5 bệnh nhân suy thận cấp do mất nước.
Bác sĩ khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân cần đảm bảo bổ sung đủ nước và lưu ý bù điện giải để tránh các biến cố về sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ suy thận cấp.