Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ có hội nghị phòng chống dịch bệnh, sau khi đã phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng chống bệnh lây từ động vật sang người.
CÁC BIỂU HIỆN CẦN CHÚ Ý
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Người bị cúm gia cầm thường có những dấu hiệu sau: sốt hoặc sốt cao đột ngột (trên 38 độ C); đau đầu, đau nhức cơ, ho khan, đau họng, mệt mỏi, có thể có tiêu chảy. Một số trường hợp có diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp. Người dân khi có biểu hiện giống cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Ca bệnh nghi nhiễm cúm gia cầm là các trường hợp đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ có ca bệnh cúm gia cầm; tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, thịt gia cầm bị bệnh chưa nấu chín); tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, hoặc đã xác định mắc cúm gia cầm.
Theo Bộ Y tế, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.
ĐƯỜNG LâY NHIỄM
Theo Cục Y tế dự phòng, vi rút cúm gia cầm có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc với vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.
Vi rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh, hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm); qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm vi rút, gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh); và tiếp xúc với dụng cụ, đồ vật nhiễm vi rút.
Mọi người đều có khả năng nhiễm vi rút cúm gia cầm. Tuy nhiên, vì bản chất là vi rút của loài chim và gia cầm nên khả năng gây bệnh, lan truyền ở người thấp và hiện chưa lây trực tiếp từ người sang người. Trong hàng trăm type vi rút cúm gia cầm, hiện có 4 chủng được biết là gây bệnh ở người: H5N1, H7N3, H7N7 và H9N2.
Ông Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay Bộ Y tế đã cấp cho các địa phương 23.000 viên thuốc Tamiflu điều trị cúm gia cầm cho người. Khi có nghi nhiễm cúm gia cầm, việc dùng thuốc càng sớm càng tốt. Hiện trong kho dự trữ vẫn đảm bảo cung ứng cho các địa phương có nhu cầu.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH
Để chủ động phòng chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người,
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị người dân cần thực hiện:
– Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
– Không ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.
– Đảm bảo ăn chín, uống sôi.
– Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống.
– Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.
– Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
– Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ, sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
– Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
– Khi có biểu hiện giống cúm (sốt, ho, đau ngực, khó thở), phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.