Trang Chủ Tin TứcSức Khỏe Đề phòng độc lực nặng hơn

Đề phòng độc lực nặng hơn

bởi flsvn


Cúm A/H9 là gì?

Hôm qua 6.4, Bộ Y tế chính thức xác nhận ca bệnh cúm A/H9 đầu tiên tại Việt Nam, là bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

Cùng ngày, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, đã chỉ đạo cơ quan thú y địa phương lấy 7 mẫu tại 2 điểm buôn bán gia cầm sống ở ấp Tân Quới (xã Tân Lý Đông). Qua phân tích, 7 mẫu này đều âm tính với virus cúm A/H9N2.

Ca nhiễm cúm A/H9 đầu tiên tại Việt Nam: Đề phòng độc lực nặng hơn- Ảnh 1.

Đường lây truyền virus cúm gia cầm sang người

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tất cả các tuýp virus cúm A tồn tại trong quần thể chim nước hoang dại, có khả năng gây nhiễm các loài động vật có vú (như lợn và ngựa), các loài chim và gia cầm. Nhìn chung, các virus cúm động vật không có khả năng gây bệnh cho người trừ khi nó đã thích ứng với người hoặc tái tổ hợp với virus cúm người. 

Với cúm gia cầm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chia sẻ, cúm gia cầm (avian influenza hay bird flu) gây ra bởi các chủng cúm A, thường chỉ lây nhiễm cho các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi, một số chủng trong số đó có thể lây nhiễm cho người như H5, H7 và H9.

Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa, tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, mặc dù còn tùy thuộc vào chủng virus.

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như: khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.

Đề phòng biến chủng nặng hơn

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay virus cúm có các tuýp là A, B và C. 

Ca nhiễm cúm A/H9 đầu tiên tại Việt Nam: Đề phòng độc lực nặng hơn- Ảnh 2.

Cúm gia cầm có thể lây sang người cùng với nguy cơ biến đổi về độc lực

Có 2 protein bề mặt của virus  cúm A là: H (Hemagglutinin – có 16 loại H); và N (Neruaminidse – có 9 loại N). H và N kết hợp với nhau tạo nên chủng cúm khác nhau như: cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, cúm A/H9N2, cúm A/H3N2, cúm A/H7N9,…Theo Tổ chức Y tế thế giới, con người có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm (cúm A/H5N1, A/H7N9 và A/H9N2); nhiễm virus cúm lợn (A/H1N1, A/H1N2 và A/H3N2) và các loại virus khác.

Tại Việt Nam, trước đây đã lưu hành cúm A/H5N1 trên người. Với cúm A/H9N2 ở nước ta ghi nhận có ở đàn gia cầm. Cúm A/H9N2 thường lưu hành ở đàn gia cầm, có thể lây sang người nhưng chưa thấy dịch lớn xảy ra, mới chỉ có ca bệnh riêng lẻ. 

“Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải đề phòng vì các chủng virus rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc vẫn chủng đó nhưng biến đổi có độc lực cao hơn, lây lan nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn,… Người dân cần thực hiện phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh”, ông Phu lưu ý.

Nguy cơ bị bệnh cao nhất là khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh. Vì vậy, khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm cho dù gia cầm có nhiễm bệnh hay không. Nếu gia đình có nuôi gia cầm thì khi dọn dẹp sân chuồng nên đeo khẩu trang, tiêu hủy chất thải của gia cầm một cách an toàn ở xa nơi sinh hoạt và chăn nuôi.

Tuân thủ quy tắc an toàn khi giết mổ gia cầm như: đeo khẩu trang, găng tay, cẩn thận để tránh tiếp xúc với chất thải, lông, máu và lòng của gia cầm. Sau khi mổ thì phải rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn.

Giữ vệ sinh là khâu vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, trong đó quan trọng nhất là rửa tay. Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; rửa tay trước và sau khi ăn; rửa tay sau khi tiếp xúc với bất kì bộ phận nào của gia cầm… Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là tốt nhất vì xà phòng có khả năng sát khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.

Khi có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức thì cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

(Cục Y tế dự phòng)



Source link

Bạn có thể thích

Leave a Comment

Translate »