Bệnh tim mạch và ung thư là hai trong nhiều nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới.
Chế độ ăn uống kém lành mạnh: ít rau, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt; nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế và đường bổ sung, là các yếu tố nguy cơ chính có thể điều chỉnh được.
Giờ đây, các nhà khoa học từ Trường Y, Đại học Stanford (Mỹ), Đại học Bologna (Ý) và Đại học Cambridge (Anh) đã đánh giá 48 nghiên cứu trong suốt 23 năm, liên quan đến chế độ ăn dựa trên thực vật và ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe tim mạch và nguy cơ ung thư.
Họ đã sử dụng phương pháp đánh giá chung, lấy dữ liệu từ tất cả các nghiên cứu và phân tích.
Phương pháp này độc đáo ở chỗ chỉ sử dụng bằng chứng xác thực nhất, đó là các đánh giá và phân tích tổng hợp có hệ thống.
Kết quả đã phát hiện chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Khi phân tích dữ liệu tổng hợp trong hai thập niên, các tác giả đã phát hiện những người ăn chay và thuần chay có nguy cơ mắc ung thư và bệnh tim thấp hơn đáng kể.
Họ đã giảm rõ rệt nguy cơ ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa và tuyến tiền liệt.
Họ cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ, giảm mạnh các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim như mỡ máu cao, đường huyết cao, thừa cân và tình trạng viêm, đồng thời giảm cả nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Các tác giả viết rằng các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chế độ ăn ít thực phẩm thực vật và nhiều thịt, ngũ cốc tinh chế, đường và muối có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn.
Họ cho biết điều này cho thấy ăn nhiều thực vật hơn sẽ có tác dụng ngược lại là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư. Chế độ ăn dựa trên thực vật thì có ít cholesterol và chất béo bão hòa nhưng giàu chất dinh dưỡng.
Chế độ ăn dựa trên thực vật tốt nhất là gì?
Chế độ ăn linh hoạt bao gồm thực phẩm nguyên chất có thể là chế độ ăn dựa trên thực vật tốt nhất.
Cô Faith Krisht, chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ, khuyên rằng cách tốt nhất để ăn thực vật là tuân theo chế độ ăn kiêng linh hoạt.
Cô nói: Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn thuần chay và ăn chay thường thiếu các axit béo thiết yếu như EPA và DHA, vitamin B12, vitamin D và iốt. Đây đều là những chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe.
Chế độ ăn chay linh hoạt – tập trung vào việc ăn chủ yếu là đạm từ thực vật, thỉnh thoảng bổ sung đạm từ động vật – giúp đảm bảo cơ thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết.
Chuyên gia Krisht cũng khuyên nên ăn nhiều thực phẩm thô, nguyên chất hơn là chế độ ăn nhiều thực phẩm tinh chế và chế biến kỹ.
Cô Krisht giải thích, điều này có nghĩa là tập trung vào ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau, trái cây, các loại hạt, đạm động vật được chế biến tối thiểu, theo Healthline.
Cách này đảm bảo bạn nhận được nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa lành mạnh, đồng thời tránh bổ sung đường vì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính.