Cholesterol trong máu cao thường không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian dài. Người bệnh thậm chí không biết mình mắc tình trạng này cho đến khi đến bác sĩ khám, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Để đảm bảo đủ chất, nhiều người có thói quen dùng một số loại thực phẩm bổ sung, thậm chí là các loại có tác dụng giảm cholesterol. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không phải loại nào cũng dùng được, đặc biệt là nguy cơ tương tác với thuốc và dùng quá liều. Mọi người chỉ nên dùng khi có khuyến cáo của bác sĩ.
Các loại thực phẩm bổ sung cần tránh khi có mức cholesterol cao gồm:
Bổ sung kali
Kali là loại khoáng chất đóng vai trò quan trọng giúp duy trì cân bằng chất lỏng trong tế bào. Với những người bị huyết áp cao, bác sĩ thường khuyên nên ăn thực phẩm chứa nhiều kali. Vì kali giúp tăng đào thải natri qua nước tiểu, nhờ đó giúp giảm huyết áp.
Tuy nhiên, những người có mức cholesterol cao và huyết áp cao khi đã có uống thuốc thì không nên bổ sung kali. Họ thường được kê thuốc ức chế men chuyển angiotensin để làm giãn mạch máu. Thế nhưng, thuốc cũng làm giảm bài tiết kali qua nước tiết.
Khi đó, bổ sung kali nhưng đồng thời dùng thuốc angiotensin sẽ khiến hàm lượng kali trong máu tăng cao. Tình trạng này làm tim đập nhanh, đau ngực, buồn nôn và ói mửa. Thậm chí, trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Thực phẩm bổ sung kết hợp
Một số loại thực phẩm bổ sung kết hợp nhiều thành phần khác nhau được quảng cáo là có tác dụng giảm mức cholesterol trong máu. Các sản phẩm này chứa chất chiết xuất từ một số loại dầu thực vật, đồng thời có các dưỡng chất có lợi như niacin, magiê.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu người bệnh muốn sử dụng để kiểm soát cholesterol trong máu thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Đặc biệt, chúng không thể thay thế các loại thuốc mà bác sĩ đã kê.
A xít béo omega-3
A xít béo omega-3 có tác dụng giảm mức chất béo trung tính. Nếu hàm lượng chất béo trung tính quá cao sẽ góp phần gây xơ vữa động mạch.
A xít béo omega-3 dù không giảm được cholesterol “xấu” LDL nhưng vẫn được xem là chất béo lành mạnh, có lợi cho người có mức cholesterol cao. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý một số loại thực phẩm chứa a xít béo omega-3 trên thị trường có thể làm tăng mức cholesterol “xấu” LDL. Do đó, nếu muốn dùng thì người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ, theo Healthline.