Chùm ngây là một loại cây đa năng được biết đến với các đặc tính dinh dưỡng và dược liệu. Lá, hạt và vỏ của nó đều được sử dụng. Chùm ngây rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
Sau đây là một số lợi ích của chùm ngây với người bệnh tiểu đường loại 2, theo trang sức khỏe Healthshots.
Điều hòa lượng đường trong máu
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Complementary Therapies in Medicine (Mỹ) cho thấy chùm ngây có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu cho rằng bột lá chùm ngây có hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu lúc đói và cải thiện lượng đường trong máu.
Tăng cường độ nhạy insulin
Độ nhạy insulin là thuật ngữ dùng để chỉ mức độ phản ứng của tế bào với insulin. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetes and Metabolic Disorders cho thấy chùm ngây đã đảo ngược tình trạng kháng insulin do chế độ ăn nhiều đường fructose gây ra và cải thiện chức năng tinh hoàn.
Giảm phản ứng đường huyết
Tiêu thụ chùm ngây trong bữa ăn có thể giúp giảm phản ứng đường huyết trong bữa ăn. Một nghiên cứu được công bố trên Phytotherapy Research cho thấy việc thêm bột lá chùm ngây vào bữa ăn có thể làm giảm sự gia tăng lượng đường trong máu sau khi ăn, chủ yếu là do hàm lượng chất xơ cao và các hợp chất hoạt tính sinh học khác trong nó.
Chứa chất chống oxy hóa
Một nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Pharmacology cho thấy thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như chùm ngây cũng chứa các đặc tính giúp giảm căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm liên quan đến bệnh tiểu đường.
Một số cách thêm chùm ngây vào chế độ ăn uống
Bột lá chùm ngây: Bạn có thể thêm bột chùm ngây vào sinh tố, nước trái cây hoặc sữa chua để tăng cường dinh dưỡng cần thiết và điều chỉnh lượng đường trong máu.
Trà chùm ngây: Một lựa chọn tuyệt vời khác, cách pha loại trà chùm ngây rất dễ dàng. Ngâm một ít lá chùm ngây khô trong nước nóng vài phút để tạo thành một thức uống sảng khoái và tốt cho sức khỏe.
Nấu ăn: Bạn có thể thêm lá chùm ngây vào súp, món hầm hoặc món xào như cách bạn làm với rau xanh hoặc các loại rau khác.
Thực phẩm bổ sung: Nếu bạn không thể bổ sung chúng vào chế độ ăn uống của mình, bạn có thể dùng viên nang hoặc viên nén chùm ngây theo khuyến nghị của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hạt chùm ngây: Trong khi một số người thích ăn hạt chùm ngây sống, bạn có thể rang hoặc xay thành bột để thêm vào thức ăn hoặc đồ uống.