Mới đây, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận một trường hợp người bệnh nhập viện điều trị đau lưng với vết bỏng da vùng lưng.
Được biết, người bệnh đã tự lấy lá về đắp trị đau lưng, hậu quả là lưng không đỡ đau mà còn bị tổn thương bỏng da độ II.
Người bệnh là anh L.V.N (39 tuổi, trú tại TX.Đông Triều), có tiền sử đau lưng nhiều năm. Trước khi vào viện 1 tuần, anh N. bị tái phát đau lưng, đau lan xuống chân 2 bên tê mỏi liên tục, đau tăng khi vận động, ho, hắt hơi, cúi ngửa hạn chế.
Đáng chú ý, anh N. không đến viện khám mà tự đọc trên internet rồi tìm một loại lá cây đem giã trộn với muối đắp điều trị. Sau 3 ngày, tình trạng đau lưng không cải thiện mà vùng da đắp thuốc còn bị phồng rộp.
Khi thấy bị bỏng da, bệnh không khỏi, anh N. đã đến Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí khám và nhập viện Khoa Y học cổ truyền điều trị với chẩn đoán, gồm: thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, bỏng độ II vùng thắt lưng kích thước khoảng 3×6 cm.
Tại Khoa Y học cổ truyền, anh N. được điều trị giảm đau chống viêm, giãn cơ, chăm sóc vệ sinh vết bỏng, kết hợp điều trị các thủ thuật y học cổ truyền như: điện châm, thủy châm, xoa bóp…
Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng đau lưng đã giảm, anh N. có thể vận động cúi ngửa dễ dàng hơn, vết bỏng vùng thắt lưng bong vảy thành sẹo…
Qua trường hợp của anh L.V.N, bác sĩ Nguyễn Thị Song An, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí, khuyến cáo người dân khi chưa biết rõ tác dụng và cách sử dụng các loại lá có tác dụng chữa bệnh, tuyệt đối không làm theo những phương pháp chưa được kiểm chứng, hoặc tự ý sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc trôi nổi, quảng cáo tràn lan trên mạng… Khi thấy người bị thay đổi về thể trạng, sức khỏe cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị đúng cách, tránh gặp phải những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.