Huyết áp tâm trương bình thường ở người trưởng thành khỏe mạnh là dưới 80 mmHg, theo trang sức khỏe Health.
Khi huyết áp tâm trương cao, đặc biệt kết hợp với huyết áp tâm thu cao, sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến huyết áp tâm trương cao, bao gồm: béo phì, thiếu vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, tiểu đường, bệnh thận,…
Việc kiểm soát tốt huyết áp tâm trương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Bà Angela Ryan Lee, bác sĩ tim mạch tại Mỹ, đã chia sẻ một số thay đổi lối sống nhằm kiểm soát huyết áp tâm trương.
Tập thể dục
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tập thể dục thường xuyên là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm huyết áp, đặc biệt là huyết áp tâm trương.
Các nghiên cứu cho thấy, chỉ cần 30 phút tập luyện mỗi ngày, 5 ngày một tuần, bạn có thể hạ thấp huyết áp tâm trương của mình xuống 5-6 điểm.
Bạn hãy lựa chọn những hoạt động thể chất phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, chơi thể thao,… để duy trì thói quen tập luyện thường xuyên.
Ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì huyết áp ở mức ổn định, đặc biệt là huyết áp tâm trương.
Bạn nên ưu tiên các nhóm thực phẩm như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, sữa ít béo, thịt gia cầm và cá. Đồng thời, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh và đồ ngọt vì chúng thường chứa nhiều muối, đường và chất béo không tốt cho tim mạch.
Bỏ thuốc lá
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, hút thuốc lá và sử dụng các sản phẩm có nicotine như thuốc lá điện tử (vape) là những thói quen nguy hiểm, có thể gây tăng huyết áp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.
Bỏ thuốc lá hoàn toàn có thể giúp giảm huyết áp, cải thiện chức năng tim và giảm nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch.
Ngủ đủ giấc
Theo các nghiên cứu, thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Khi ngủ, cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều giảm xuống.
Để đảm bảo sức khỏe tim mạch, mỗi người nên ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm, không bị gián đoạn. Nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ hoặc có triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.