Ngày 31.5, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết thời gian tiếp xúc dưới trời nắng nóng càng lâu càng gây ra nhiều rủi ro, nguy hiểm cho sức khỏe. Ở mức độ nhẹ có thể gây tình trạng mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt… ở mức độ nặng có thể dẫn đến ngất xỉu, sốc nhiệt, rối loạn tri giác, hôn mê, tử vong.
“Khi đi ra ngoài nhiều giờ dưới trời nắng nóng, các chuyển hóa trong các cơ quan hoạt động nhiều, sản sinh ra nhiều axit lactic khiến cơ thể mau mệt, đau nhức cơ, vả mồ hôi, vọp bẻ… Bên cạnh đó, cơ thể sẽ dễ rơi vào tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, sốc nhiệt, rối loạn tri giác, rối loạn nhịp thở, tăng nhịp tim dẫn đến trụy tim…”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, khi tiếp xúc nắng nóng trong thời gian lâu không che chắn, tia cực tím cường độ cao chiếu vào cơ thể có thể gây hỏng da, lâu dài gây tổn thương cơ quan bên trong.
Tùy vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe mà thời gian ảnh hưởng do tiếp xúc với nắng nóng có thể khác nhau. Ở trẻ nhỏ được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với nắng nóng, thời gian tiếp xúc không quá 30 phút. Với người lớn, thanh niên khỏe mạnh thì thời gian tiếp xúc được khuyến cáo không quá 45 phút.
“Trong trường hợp cần ra ngoài trong trời nắng nóng cần đội mũ rộng vành, bổ sung nước đầy đủ, mặc đồ màu sáng”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết khi lao động hoặc đi ra ngoài quá lâu dưới trời nắng nóng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết bị sốc nhiệt?
Bác sĩ Vũ cho biết, sốc nhiệt (heat stroke) là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, khoảng 40-41 độ C. Khi nhiệt môi trường gia tăng, cơ thể không có khả năng tản mát nhiệt nội sinh dẫn đến nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận biết khi bị say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, nếu không được bù nước kịp thời sẽ làm giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng, có thể tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như hô hấp, thần kinh…
Ngoài ra, các triệu chứng thường gặp khác là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, có khi vọp bẻ, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 40 – 41 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Khi bị nặng sẽ rơi vào ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.
Những ai dễ bị sốc nhiệt?
Khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ cho cơ thể như giãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi để hạ nhiệt cho cơ thể. Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh.
Khả năng này ở mỗi người khác nhau, người trưởng thành khỏe mạnh có sức chịu đựng tốt nhất, trái lại người cao tuổi và trẻ em sức chịu đựng kém hơn nhiều và dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng. Ngay cả những người trẻ khỏe nếu hoạt động dưới ánh nắng gắt kéo dài cũng có thể bị sốc nhiệt
Cách sơ cứu người sốc nhiệt
Bác sĩ Tiến chia sẻ, trong trường hợp nạn nhân bị sốc nhiệt cần đưa nạn nhân đến nơi thoáng mát, đắp khăn mát, cho nạn nhân uống nước bù nếu còn tỉnh. Trong trường hợp hôn mê cần để nạn nhân nằm xuống, kê hai chân cao lên để dồn máu về tim, chườm mát và đưa nạn nhân đến bệnh viện.