Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đại Anh – khoa Nội Tổng hợp – Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết trong thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ mất nước và dẫn đến bùng phát những cơn đau đầu cấp tính.
“Nắng nóng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ làm não bộ bị thiếu dưỡng khí dễ gây đau đầu thậm chí đau mỏi toàn thân. Bên cạnh đó, nhiều người có thể bị ảnh hưởng giấc ngủ khi nắng nóng làm não bộ bị thiếu dưỡng khí dễ gây đau đầu thậm chí nhức mỏi toàn thân. Cảm giác đau đầu càng nghiêm trọng hơn nếu bạn thường xuyên di chuyển giữa phòng có máy lạnh với không gian bên ngoài”, bác sĩ Anh phân tích.
Đặc biệt nguy cơ đột quỵ sẽ càng tăng cao đối với những người có sẵn bệnh lý ở não, hệ thần kinh như thiếu máu não, bệnh động kinh, dị dạng mạch máu não, rối loạn tiền đình, huyết khối tĩnh mạch não, u não, viêm não…
Một số cách tránh đau đầu do nắng nóng
Bổ sung đủ nước. Đây là nguyên tắc vàng để tránh mất nước, tránh đau đầu do nhiệt hoặc kiệt sức do nắng nóng. Người lớn nên uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Tăng lượng nước nếu phải hoạt động ngoài trời nắng và tham gia các bài tập thể dục thể thao toát nhiều mồ hôi. Lượng nước tiêu thụ mỗi ngày có thể tính cả nước lọc, nước canh, nước ép, đồ uống ít đường…
Hạn chế ra ngoài trời nắng nóng. Từ 11 giờ – 15 giờ là thời điểm nắng nóng đạt đỉnh. Nếu cần phải di chuyển ngoài trời cần che chắn nón, áo khoác, kính mát, đứng dưới bóng râm để làm giảm sự tác động của ánh nắng lên hệ thần kinh, tránh để nắng chiếu trực tiếp vào gáy, cổ và lưng. Điều này giúp hạn chế cơn đau đầu và làm giảm tình trạng chóng mặt hay say nắng. Trong trường hợp ngay khi có các triệu chứng đau đầu do nắng nóng hoặc kiệt sức, người bệnh cần bổ sung đủ nước, đến nơi thoáng mát, chườm lạnh làm mát cơ thể, đồng thời nghỉ ngơi giúp cơ thể cân bằng lại nhiệt.
Ăn đủ chất, bổ sung các vitamin. Nên bổ sung các loại trái cây giàu vitamin, khoáng chất khi thời tiết nắng nóng như cam, chuối… Chuối giàu dinh dưỡng Alkaloid, vitamin B6, tryptophan… giúp người bệnh giảm mệt mỏi, bên cạnh đó vitamin B6 và tryptophan hỗ trợ thần kinh, giúp giảm lo lắng, giảm đau. Cam, quýt… giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng, thanh nhiệt và có thể giúp làm giảm các cơn đau nhức đầu.
Dành thời gian nghỉ ngơi. Cố gắng ngủ đủ giấc và buổi trưa nên chợp mắt giúp giảm căng thẳng, đau đầu. Với những người có sẵn bệnh lý não, hệ thần kinh, bác sĩ Đại Anh khuyến cáo nên chú ý sức khỏe thời điểm nắng nóng. Cần tuân thủ việc sử dụng thuốc đang điều trị các bệnh nền một cách nghiêm ngặt, không tự ý dừng thuốc hay tăng, giảm liều. Kiểm soát chỉ số huyết áp, đường máu thường xuyên để đảm bảo các chỉ này được ổn định. Cố gắng ngủ đủ giấc. Ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ.
“Người đau đầu do nhiệt hoặc cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng cao nên chườm lạnh để đưa về mức bình thường. Thông thường, cơn đau đầu do đi nắng nhiều có thể tự biến mất sau 3 – 4 giờ đồng hồ. Nếu đau đầu đi kèm với các dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu, cơn đau tăng lên hoặc xảy ra thường xuyên, khoảng hơn 2 lần/tuần, liên tục trong 2 – 3 tháng thì bạn nên đến bác sĩ khám càng sớm càng tốt”, bác sĩ Anh cho hay.