Hội nghị khoa học chuyên đề về bệnh truyền nhiễm quốc tế APAC-IRIDS 2024 lần thứ 1 của Roche được tổ chức tại TP.HCM, trong 2 ngày 19 – 20.6.
Phát biểu tại khai mạc hội nghị hôm nay 19.6, tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết các bệnh truyền nhiễm là gánh nặng với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế của thế giới. Cần có một chiến lược tổng thể, toàn diện để chuẩn bị ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm dự kiến, cũng như bùng phát ngoài dự kiến của các nước, các chuyên gia y tế và cộng đồng.
APAC-IRIDS 2024 tập trung vào những tiến bộ, xu hướng mới nổi, công nghệ mới cũng như chỉ ra các thách thức và lỗ hổng trong quản lý bệnh truyền nhiễm, bao gồm: viêm gan, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh lao, kháng kháng sinh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giải pháp số trong quản lý thông tin sức khỏe cá nhân.
Nhiều ca bệnh viêm gan không được phát hiện
Cũng theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, ước có khoảng 7 – 8 triệu người tại các quốc gia đang sống chung với bệnh viêm gan B.
Tại Việt Nam, điều này có nghĩa là cứ 11 người thì có một người mắc bệnh viêm gan B mãn tính. Viêm gan (B và C) gây ra gần 80.000 ca ung thư gan và 40.000 ca tử vong mỗi năm.
Những người mắc viêm gan B có thể được điều trị bằng các loại thuốc có hiệu quả cao để ngăn chặn bệnh tiến triển, ngăn ngừa sự lây truyền và giảm nguy cơ phát triển thành ung thư gan.
Tuy nhiên, nhiều người bị viêm gan B, viêm gan C không biết mình bị nhiễm bệnh sớm và do đó không tìm cách điều trị. Cho đến nay, xét nghiệm viêm gan virus thường dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của bệnh gan giai đoạn cuối. Kết quả là chỉ có khoảng 10 – 20% số người nhiễm virus viêm gan B được chẩn đoán và chỉ có khoảng 30% số người được chẩn đoán được điều trị.
Ông Châu chia sẻ, xét nghiệm chẩn đoán viêm gan virus có chi phí không lớn và có ý nghĩa khi giúp người nhiễm điều trị kịp thời, nếu có phát hiện bệnh. Do đó, chi phí xét nghiệm thấp hơn nhiều so với chi phí bệnh ở giai đoạn muộn, đặc biệt khi đã mắc ung thư gan.
Theo chia sẻ của một chuyên gia ung bướu bên lề hội nghị, yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư gan là viêm gan mạn tính do virus viêm gan B (HBV) hoặc virus viêm gan C (HCV). Viêm gan virus dẫn đến xơ gan và là nguyên nhân dẫn đến ung thư gan, là một trong số ung thư dễ gặp tại Việt Nam.
Bởi vậy, ông Châu cho rằng, đối với chương trình loại trừ viêm gan cần chuyển từ mô hình xét nghiệm virus viêm gan B dựa trên chỉ định lâm sàng, sang mô hình y tế công cộng xét nghiệm thường quy trên diện rộng tại cộng đồng ở Việt Nam.
Chi phí xét nghiệm sàng lọc viêm gan virus có thể nói là rẻ so với chi phí điều trị nhưng hiện nay xét nghiệm sàng lọc chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
“Chúng tôi cũng mong muốn có được nguồn tài trợ để làm chiến dịch xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, tại TP.HCM”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM bày tỏ, đồng thời cũng cho rằng, chẩn đoán bệnh lao, virus Humanpapilloma (một loại virus gây u nhú ở người, một số loại có thể gây mụn sinh dục và ung thư – PV) và sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng cần được thực hiện tại cơ sở cộng đồng để tiếp cận được số lượng bệnh nhân lớn hơn theo các đặc điểm nhân khẩu học của dân số.
Hội nghị chuyên đề về bệnh truyền nhiễm quốc tế APAC-IRIDS 2024 lần thứ 1 do Roche Diagnostics châu Á – Thái Bình Dương, Roche Việt Nam và Hội Truyền nhiễm TP.HCM tổ chức.
Ông Johnny Tse, Tổng giám đốc – Tiểu khu vực 2, Roche Diagnostics châu Á – Thái Bình Dương; tiến sĩ Qadeer Raza, Tổng giám đốc Roche Việt Nam; và các chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.
Tại APAC-IRIDS 2024, các đại biểu, chuyên gia chia sẻ kiến thức, cập nhật mới nhất về công nghệ chẩn đoán và thảo luận về các vấn đề liên quan đến bệnh truyền nhiễm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.