Hiểu đúng về ung thư cổ tử cung: mức độ nguy hiểm và nguyên nhân gây bệnh
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới trên toàn cầu. Tại Việt Nam, căn bệnh này được xếp trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi(1). Ở nước ta, mỗi năm có khoảng hơn 4.000 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung và hơn 2.000 phụ nữ tử vong, nghĩa là trung bình một ngày có gần 14 ca mắc mới và 7 ca tử vong vì căn bệnh này(2). Theo ước tính đến năm 2025, số phụ nữ ở Việt Nam tử vong do căn bệnh này có thể lên tới 4.000 trường hợp mỗi năm nếu không có giải pháp hiệu quả cho thực trạng này.
Ung thư cổ tử cung có diễn biến khá âm thầm, nhất là giai đoạn tiền ung thư thường ít có triệu chứng rõ rệt và còn rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa thông thường(3). Đối với người có hệ miễn dịch bình thường, ước tính thời gian tiến triển của bệnh có thể kéo dài từ 15 đến 20 năm, và có thể từ 5 – 10 năm với hệ miễn dịch suy yếu, gây khó khăn cho việc phát hiện(4). Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và làm giảm khả năng chữa trị thành công.
Các số liệu thống kê đã cho thấy ung thư cổ tử cung phổ biến ở phụ nữ trưởng thành, và mắc bệnh ở độ tuổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, có khả năng dẫn đến cạn kiệt tài chính, suy sụp tinh thần, và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ đến bản thân người mắc bệnh mà cả gia đình họ.
Thực tế xét nghiệm chỉ ra rằng ung thư cổ tử cung có liên hệ mật thiết với HPV, loại virus gây u nhú ở người. Gần như tất cả số ca chẩn đoán ung thư cổ tử cung đều có liên quan đến HPV(5). Virus này có mức độ lây nhiễm cao, trong đó có khoảng 40 tuýp chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục và tiếp xúc da trực tiếp với vùng mang virus hoặc dịch tiết của người bệnh.
Lý do ung thư cổ tử cung chưa có xu hướng giảm tại Việt Nam
Ung thư cổ tử cung thường phổ biến nhất ở phụ nữ từ 30 tuổi trở đi(6), trong khi đó độ tuổi trung bình được chẩn đoán tiền ung thư cổ tử cung (chẩn đoán CIN2+) là 28 tuổi(7). Điều này cùng với những nghiên cứu được thực hiện trên toàn cầu cho thấy căn bệnh do HPV gây ra đang có khuynh hướng trẻ hóa(8). Theo chuyên gia nhận định, nguyên nhân của hiện tượng này có thể là vì độ tuổi quan hệ tình dục ngày càng sớm hơn trước(9), trong khi chưa được trang bị đầy đủ những hiểu biết và kiến thức đề phòng HPV.
Ngoài ra, lối sống hiện đại cũng góp phần làm cho ung thư cổ tử cung gia tăng. Thói quen vệ sinh không tốt, cùng với đó là chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh, hút thuốc lá và lạm dụng đồ uống có cồn(10), làm hệ miễn dịch suy yếu và mất khả năng chống lại virus khi đã bị nhiễm.
Còn ở phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành vốn có nguy cơ nhiễm HPV và tiến triển thành ung thư cao, theo điều tra về phụ nữ và trẻ em do Tổng cục thống kê thực hiện năm 2021, chỉ có 28,2% phụ nữ từ 30-49 tuổi đã được khám sàng lọc ung thư(11), cho thấy đối tượng này vẫn còn chưa quan tâm đúng mức đến sự nguy hiểm của ung thư cổ tử cung và việc phòng ngừa HPV.
Ngoài thường xuyên thăm khám sức khỏe để tầm soát ung thư, phụ nữ cần thực hiện các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục cũng như các thói quen sinh hoạt lành mạnh để duy trì sức khỏe và gia tăng sự vững chắc cho hệ miễn dịch.
Ngoài ra vẫn còn có những biện pháp dự phòng HPV khác hiệu quả và mang tính chủ động cao hơn nhờ sự tiến bộ trong y học. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ trưởng thành vẫn còn cao cho thấy mức độ hiệu quả của những biện pháp này chưa được như mong đợi(12). Nguyên nhân có thể vì những quan niệm sai lầm về mức độ hiệu quả với từng nhóm đối tượng, khiến phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ cao còn do dự chưa thực hiện những biện pháp chủ động dự phòng HPV. Để bảo vệ bản thân và gia đình, phụ nữ ở mọi lứa tuổi rất cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa HPV và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để loại trừ mối nguy hiểm từ ung thư cổ tử cung.
—-
*Nguồn tham khảo(1),(2),(6),(12) WHO. Human Papillomavirus and Related Diseases Report Vietnam, March 2023.[https://hpvcentre.net/statistics/reports/VNM.pdf][13-03-2024](3),(5) Cancer Council. Cervical Cancer. Updated Feb 2024[https://www.cancer.org.au/cancer-information/types-of-cancer/cervical-cancer][13-03-