Nguy cơ tử vong do sặc sữa ở trẻ nhỏ
Như Thanh Niên đưa tin, ngày 4.7 trên đường về nhà ở xã Kiền Bái (H.Thủy Nguyên, Hải Phòng), nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo, làm việc tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã dừng xe giữa đường, kịp thời sơ cứu và cứu sống bé trai 7 ngày tuổi trong tình trạng đã ngừng thở do bị sặc sữa.
Khi nữ điều dưỡng Thảo cùng người thân đang trên đường về gần đến nhà ở xã Kiền Bái (H.Thủy Nguyên) thì bắt gặp người đàn ông ở cùng xã bế trên tay bé trai sơ sinh đã ngừng thở, tím tái đang trên đường tìm phương tiện đưa đi cấp cứu; phía sau là một phụ nữ trẻ vừa chạy vừa gào khóc thất thanh. Chị Thảo đã dừng xe, tự giới thiệu mình là nhân viên y tế. Sau đó, nữ điều dưỡng nhanh nhẹn đưa bé lên xe taxi cùng người thân của bé chuyển thẳng đến bệnh viện gần nhất cấp cứu là Bệnh viện đa khoa H.Thủy Nguyên.
Trên đường xe di chuyển đến bệnh viện, chị Thảo đã ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp cho cháu bé… giúp bé có thể hô hấp trở lại nhưng vẫn còn trong tình trạng rất nguy kịch.
Sau ít phút sơ cứu tại Bệnh viện đa khoa H.Thủy Nguyên, bé trai đã có mạch đập trở lại.
Trước đó, tháng 9.2023, bé gái P.T.N (24 ngày tuổi, trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng, sặc sữa.
Mẹ bé cho biết cách vào viện 3 ngày, bé xuất hiện ho khan chưa điều trị gì. Sáng ngày nhập viện, sau bú 3 – 4 phút, bé tím tái, ho, khó thở, sữa trào ra miệng, mũi, gia đình đã hút sạch mũi, miệng nhưng bé vẫn còn tím môi, khó thở nên gia đình nhanh chóng cho nhập viện.
Sặc sữa là tai nạn khá thường gặp ở trẻ nhỏ
Ngày 14.7, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, sặc sữa là một tai nạn khá thường gặp ở trẻ nhỏ, đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không biết cách sơ cứu kịp thời.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sặc sữa, có thể do tư thế cho bú sai cách đầu quá thấp hoặc lỗ sữa xuống quá nhiều, trẻ vừa bú vừa khóc, trẻ vừa ngủ vừa bú…”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Cách xử trí khi trẻ bị sặc sữa
Theo bác sĩ Tiến, ngay khi phát hiện trẻ bị sặc sữa, cần cho trẻ nằm nghiêng một bên cho sữa trào ra, dùng khăn thấm nhanh sữa. Theo dõi trẻ trong vòng 10 giây nếu không khóc tức trẻ có thể ngưng thở cần thực hiện vỗ lưng ấn ngực để sơ cứu trong lúc chờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
“Nhiều người dùng miệng để hút sữa cho bé, tuy nhiên kỹ thuật này cần được thực hiện bởi người có chuyên môn và kinh nghiệm. Bởi vì nếu người mẹ hoặc người cha đang run rẩy, lo sợ hoặc chưa có kinh nghiệm thực hành có thể vô tình thổi thay vì hút khiến sữa đi vào sâu bên trong càng gây nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong”, bác sĩ Tiến lưu ý.
Dưới đây là 2 phương pháp xử trí cấp cứu ban đầu khi trẻ bị sặc sữa:
Vỗ lưng ấn ngực
- Cho trẻ nằm sấp để đầu thấp hơn ngực trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ vùng đầu và cằm trẻ ở tư thế thẳng.
- Sử dụng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần giữa 2 vai của trẻ theo hướng từ trên xuống.
- Sau khi vỗ lưng, dùng cẳng tay còn lại đặt lên lưng trẻ, bàn tay giữ chặt đầu và cổ. Động tác vỗ dứt khoát.
- Nếu tình hình vẫn không cải thiện cần lật ngửa trẻ một cách cẩn thận (giữ chặt đầu và cổ), giữ trẻ nằm ngửa trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ đầu thấp hơn cơ thể.
- Ấn ngực 5 lần ở vị trí 1⁄2 dưới xương ức, ngay dưới đường liên vú. Mỗi lần đẩy ngực khoảng 1 giây, cố gắng tạo áp lực đủ để sữa ra ngoài.
- Lặp lại chu kỳ 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến trẻ thở lại. Nếu trẻ có dấu hiệu tím tái, cần chuyển sang ép tim thổi ngạt cho trẻ.
Ép tim – thổi ngạt cho trẻ
Ép tim: Vị trí 1/2 dưới xương ức, chiều sâu 1/3 đường kính trước sau của lồng ngực.
Thực hiện 30 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt (Nếu chỉ có 1 mình).
Thực hiện 15 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt (Nếu có nhiều 2 người cấp cứu).
Thổi ngạt miệng – miệng (ảnh trên) hoặc thổi ngạt miệng – mũi cho trẻ: Thổi hơi vào trong 1 giây, chú ý quan sát lồng ngực trẻ phồng lên. Lặp lại 2 lần. Nếu lồng ngực không phồng lên, lặp lại động tác ngửa đầu nâng cằm, điều chỉnh tư thế ngửa đầu.
Miệng – mũi: Hít 1 hơi bình thường, trùm kín và chặt miệng của người cấp cứu lên miệng và mũi của trẻ.
Miệng – miệng: Hít 1 hơi bình thường, trùm kín và chặt miệng người cấp cứu lên miệng của trẻ. Kẹp chặt cánh mũi với ngón cái và ngón trỏ, bàn tay tỳ lên trán trẻ.
Tiếp tục cấp cứu tại chỗ đến khi trẻ hồng trở lại hoặc có nhân viên y tế hỗ trợ.