Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy điều chỉnh thói quen sống đặc biệt là chế độ ngủ và chế độ ăn uống, giúp giảm sự phát triển và tiến triển của ung thư phổi.
Nghiên cứu mới là nghiên cứu quy mô lớn, dài hạn kiểm tra ảnh hưởng của lượng chất béo tiêu thụ đối với ung thư phổi.
Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ Thử nghiệm sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt, phổi, đại trực tràng và buồng trứng do Viện Ung thư Quốc gia Mỹ thực hiện, bao gồm 98.459 người tham gia, không có tiền sử ung thư, ở lứa tuổi từ 55 trở lên.
Các tác giả đã xem xét dữ liệu kiểm tra sức khỏe hằng năm và bảng trả lời câu hỏi về chế độ ăn uống của những người tham gia.
Trong suốt thời gian theo dõi kéo dài gần 9 năm, có 1.642 người mắc ung thư phổi.
Kết quả cho thấy những người tuân thủ nghiêm ngặt nhất chế độ ăn ít axit béo bão hòa đã giảm 24% nguy cơ mắc ung thư phổi so với những người ăn nhiều nhất loại chất béo này, theo chuyên trang y tế News Medical.
Riêng ở người hút thuốc lá, vốn có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất, thì lợi ích đạt được càng cao, giảm đến 29% nguy cơ ung thư phổi.
Đặc biệt, cách ăn này giúp giảm đến 41% nguy cơ mắc ung thư phổi tế bào nhỏ.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng tiêu thụ axit béo bão hòa làm tăng nguy cơ ung thư phổi nhiều nhất. Ngược lại, axit béo không bão hòa đơn hoặc axit béo không bão hòa đa không gây ra tác hại này.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng chế độ ăn kiêng ít chất béo có thể có tác dụng chống ung thư phổi, đặc biệt ở người hút thuốc.
Đồng thời, giảm lượng axit béo bão hòa có thể là chiến lược để ngăn ngừa ung thư phổi, đặc biệt ở người trung niên và người lớn tuổi, theo News Medical.
Loại chất béo nào nên tránh, loại nào tốt cho sức khỏe?
Axit béo bão hòa. Axit béo bão hòa (làm tăng nguy cơ ung thư phổi trong nghiên cứu) có trong mỡ động vật, các loại thịt chế biến sẵn chứa nhiều mỡ (như xúc xích), sữa nguyên béo… Chúng cũng có trong các nguồn thực vật như dầu dừa – thường đông đặc khi ở nhiệt độ phòng.
Ăn quá nhiều axit béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol “xấu”, một yếu tố nguy cơ phổ biến gây ra bệnh tim.
Axit béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Loại chất béo lành mạnh (không làm tăng nguy cơ ung thư phổi trong nghiên cứu) thường ở dạng lỏng khi ở nhiệt độ phòng.
Chúng có nhiều trong cá béo (như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích, tôm), quả bơ, dầu thực vật (như dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương) và các loại hạt (như quả óc chó, hạt lanh, hạt hướng dương). Những loại chất béo này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tốt cho não bộ và hỗ trợ giảm cân, theo chuyên trang sức khỏe Health Line.