Trang Chủ Tin TứcSức Khỏe Thông tin mới nhất về ca bệnh bạch hầu tại Bắc Giang

Thông tin mới nhất về ca bệnh bạch hầu tại Bắc Giang

bởi flsvn


Liên quan ca bệnh bạch hầu ghi nhận tại Bắc Giang nêu trên, tối nay 9.7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, may mắn là bệnh nhân 18 tuổi này đã được điều trị kháng sinh sớm nên gần như không có các triệu chứng của bệnh, thể trạng bệnh nhân tốt. Do đó, hôm nay, bệnh nhân được chuyển về Bắc Giang tiếp tục điều trị và theo dõi.

Thông tin mới nhất về ca bệnh bạch hầu tại Bắc Giang- Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thông tin về bệnh bạch hầu

Trước đó, ngày 7.7, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã có công văn khẩn yêu cầu giám đốc các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các nội dung phòng, chống bệnh bạch hầu lây lan, sau khi địa phương xác định chị Moong Thị B. (18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, H.Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) dương tính với bạch hầu. Chị B. là một trong các trường hợp tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại H.Kỳ Sơn (Nghệ An).

Bệnh nhân này được Bắc Giang chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư do trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Tỷ lệ tử vong cao hơn Covid-19, nhưng không có nguy cơ đại dịch

Về sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó giám Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết bệnh lâm sàng của bệnh bạch hầu đa dạng từ bệnh nhân không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân.

Thông tin mới nhất về ca bệnh bạch hầu tại Bắc Giang- Ảnh 2.

Các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trao đổi về công tác chuyên môn, bao gồm vấn đề liên quan ca bệnh bạch hầu

Ca bệnh bạch hầu thường ủ bệnh từ 2 – 5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy vết loét có giả mạc. Giả mạc này màu trắng xám, dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng, thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.

Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân bạch hầu; 26 – 40% bệnh nhân có khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.

Bác sĩ Cấp cũng lưu ý về các triệu chứng thường gặp khác ở bệnh nhân bạch hầu như: đau họng (85 – 90%), sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau.

“Những diễn biến trầm trọng do bệnh bạch hầu như: viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1 – 2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui”, bác sĩ Cấp lưu ý, đồng thời cũng cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh là 10 – 20%, cao hơn Covid-19, nhất là những người chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bạch hầu thấp hơn so với Covid-19, do đó khả năng gây đại dịch thấp.

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, người bệnh nghi mắc bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn 2 lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.

Nếu xác định người nào đó bị bạch hầu, dù đây là bệnh nhóm B, bệnh nhân vẫn cần phải cách ly y tế, để tránh lây lan cho người khác và cho uống kháng sinh.

Tốt nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị các triệu chứng, vì người mắc bạch hầu được điều trị kháng sinh sớm, sẽ có cơ hội giảm được nguy cơ diễn biến nặng. Nếu tự cách ly, không theo dõi giám sát thì khi biến chứng nặng và muộn, sẽ nhiễm độc toàn thân, khi đó, thuốc kháng bạch hầu không có tác dụng nữa.

Bệnh bạch hầu có thể gây các biến chứng nặng như giả mạc phát triển nhanh, lan xuống đường hô hấp gây bít tắc đường hô hấp, khiến bệnh nhân không thở được hoặc gây sặc. Bệnh cũng có thể gây viêm cơ tim, gây suy tim cấp, rối loạn nhịp tim; hoặc tổn thương thận, suy thận cấp. Nhiều bệnh nhân có các biến chứng nặng buộc phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ như lọc máu đảm bảo thay thế chức năng thận của bệnh nhân.

Những người chưa có miễn dịch, chưa tiêm vắc xin bạch hầu đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bao gồm: trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin, hoặc người đã được tiêm vắc xin nhưng vắc xin không còn hiệu lực bảo vệ.

Vắc xin là quan trọng để giúp cho tránh bị mắc, hoặc có mắc thì bệnh cũng nhẹ. Tác dụng bảo vệ của vắc xin kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần, khi hiệu lực bảo vệ giảm thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, do vậy nên tiêm nhắc lại với vắc xin bạch hầu.

(Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp)





Source link

Bạn có thể thích

Translate »