Khi nước tiểu quá đậm đặc, các khoáng chất và hóa chất trong nước tiểu sẽ lắng đọng và kết tinh lại thành sỏi thận. Sỏi thận thường được tạo thành từ canxi oxalat và canxi phosphate, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Advances in Nutrition phát hiện uống cà phê có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Điều này là do cà phê hoạt động như một chất lợi tiểu, giúp tăng đào thải nước tiểu ra ngoài, nhờ đó giảm tình trạng khoáng chất tích tụ trong thận thành sỏi.
Lợi ích trên có được là nhờ hàm lượng caffeine trong cà phê. Một nghiên cứu trên chuyên san Frontiers in Nutrition đã phân tích dữ liệu thu thập được từ hơn 30.000 người từng có tiền sử bị sỏi thận. Kết quả cho thấy uống caffeine có thể giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi thận.
Dù các nghiên cứu đã chứng minh lợi ích giúp ngăn sỏi thận của caffeine. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng trong cà phê còn chứa những chất khác cũng góp phần giúp ngăn sỏi thận chứ không chỉ là caffeine. Các chất đó là chất chống ô xy hóa, chất kháng viêm và hàm lượng magiê cao.
Cà phê dù tốt nhưng để đảm bảo sức khỏe thì mọi người không nên uống quá nhiều. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người chỉ nên uống 2 ly cà phê/ngày. Trong khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, lượng caffeine nạp vào cơ thể mỗi ngày không được vượt quá 400 miligam. Đây là tổng lượng caffeine không chỉ ở cà phê mà mọi thức uống hay thực phẩm khác có chứa caffeine như nước tăng lực, trà, hay sô cô la.
Ngoài ra, để ngăn ngừa sỏi thận thì duy trì các thói quen lành mạnh cũng rất quan trọng. Theo đó, mọi người cần uống nhiều nước để tránh tình trạng nước tiểu trở nên quá đậm đặc. Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng khỏe mạnh cũng giúp giảm nguy cơ sỏi thận.
Với những người đã mắc sỏi thận thì tùy vào loại sỏi thận mà có thể cần giảm ăn một số món như thịt đỏ, muối hay đậu phộng. Nếu lo lắng về sỏi thận, người bệnh hãy đi bác sĩ khám để xác định loại sỏi thận và cách điều trị phù hợp, theo Healthline.