Đây là thông tin được đưa ra trong Lễ khởi động chương trình “Tháng 5 đo huyết áp” (May Measure Month – viết tắt MMM) vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ. Chương trình do Phân hội tăng huyết áp (THA) Việt Nam phối hợp dự án Ngày đầu tiên của Công ty dược phẩm Servier (Pháp) tổ chức.
Tham dự có ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Cần Thơ; GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Chủ tịch Phân hội THA Việt Nam; TS.Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ; GS.TS. Kazuomi Kario, Nhà sáng lập Hope Asia Network; lãnh đạo Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và nhiều bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng.
Theo GS.TS Huỳnh Văn Minh, mặc dù có nhiều biện pháp và chương trình hành động nhưng tỷ lệ THA tại Việt Nam vẫn chưa được khống chế. Theo báo cáo của WHO 2019, tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, còn cao hơn cả ung thư và nằm trong vùng cao của khu vực châu Á. Rất đáng lo ngại khi THA có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Việc tầm soát không chỉ dành cho người già mà người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên cần được quan tâm. Tuy nhiên, do căn bệnh này không có triệu chứng, không lây nhiễm, chỉ có thể phát hiện khi đo huyết áp nên nhiều người vẫn chưa quan tâm đúng mức về sự nguy hiểm tiềm ẩn của nó (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… và thậm chí tử vong).
Trong khi đó, TS.Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, kết quả tầm soát chương trình “Tháng 5 đo huyết áp” ghi nhận tỉ lệ THA chiếm tới 30,1% ở người trên 18 tuổi. Chỉ hơn 1/3 người được điều trị THA kiểm soát được huyết áp mục tiêu theo khuyến cáo hiện tại. Vì vậy, chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống THA năm 2024 là “đo huyết áp đúng – kiểm soát huyết áp tốt – sống khỏe” thiết thực và nhiều ý nghĩa. Mỗi người dân trên 18 tuổi nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra huyết áp tránh, để phát hiện và theo dõi bệnh kịp thời (nếu có), tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Theo Chủ tịch Phân hội THA Việt Nam, với thông điệp “Huyết áp trên 140/90mmHg, đừng “lười” hỏi bác sĩ”, chương trình “Tháng 5 đo huyết áp” năm 2024 đã có bước chuẩn bị chu đáo khi tăng về quy mô tầm soát và có nhiều điểm mới. Cụ thể, những năm trước tiến hành tầm soát cho khoảng 10.000 người thì năm nay chỉ tiêu cao gấp 10 lần. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra tới tháng 8, tại 20 tỉnh, thành trên toàn quốc (năm 2023 là 10 địa phương – PV). Lần đầu phối hợp với các dược sĩ của các nhà thuốc như chuỗi Pharmacity trên phạm vi cả nước để tăng cường hoạt động tầm soát, tư vấn bệnh THA. Địa điểm tổ chức không chỉ cố định mà mở rộng tới những nơi công cộng. Đây cũng là năm đầu tiên hiệp hội đón tiếp, liên kết với mạng lưới Châu Á về THA (Hope Asia Network).
GS. TS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Học Việt Nam, Chủ tịch Phân hội THA Việt Nam, chia sẻ tại chương trình
GS.TS Huỳnh Văn Minh nói thêm, thời gian qua hiệp hội rất quan tâm tới việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ để nâng cao hiệu quả tầm soát THA. Định kỳ 2 năm tổ chức một hội nghị cấp quốc gia, quốc tế để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ những chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó biên soạn tài liệu, phổ biến các khuyến cáo có liên quan đến căn bệnh này. Đặc biệt, năm 2024 hiệp hội bắt đầu thực hiện việc biên soạn khuyến cáo đo THA tại nhà; đồng thời sắp tới sẽ đăng cai tổ chức trường hè (Summer School) với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu của Châu Á về THA, nhiều học viên trẻ tham dự.
Đối với bệnh nhân, Hiệp hội THA Việt Nam có nhiều hoạt động, nổi bật nhất là chương trình “Tháng 5 đo huyết áp”. Phần việc cốt yếu là vừa tầm soát vừa tư vấn và thông báo cho người dân biết về chỉ số THA. Ngoài ra, hiệp hội đã ấn hành nhiều tập san, hướng dẫn về THA gửi đến các trạm xá, bệnh viện để nhiều bệnh nhân được tiếp cận. Liên quan căn bệnh này, GS.TS Huỳnh Văn Minh khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp bằng cách đo huyết áp 2 lần/năm. Việc đo huyết áp có thể tự thực hiện nếu gia đình có máy đo huyết áp tự động bắp tay. Có điều kiện nên đo các chỉ số khác có liên quan như đường máu, mỡ máu thông qua xét nghiệm máu hằng năm. Vấn đề nữa là thay đổi lối sống, giảm ăn mặn, hạn chế sử dụng chất kích thích. Nếu là bệnh nhân, nên có chế độ tuân thủ, theo dõi đều đặn. Hiện có nhiều chương trình, phần mềm (như ứng dụng di động Elfie) mà người dân có thể sử dụng để việc theo dõi tình hình THA được hiệu quả hơn.
May Measure Month (MMM) là chương trình thường niên do ISH triển khai đồng thời tại hơn 100 quốc gia trong suốt tháng 5. Đây là chương trình phục vụ sức khỏe toàn cộng đồng giúp phát hiện bệnh lý THA, từ đó nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Tại Việt Nam, chương trình đã diễn ra thường niên từ năm 2017 với đề xuất của Phân hội THA Việt Nam, với sự tài trợ liên tục hằng năm của công ty TNHH Servier (Pháp).
Người dân có thể tìm hiểu về bệnh lý tăng huyết áp thông qua website: https://www.pharmacity.vn/BISS2024.lp