Sốc nhiệt là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất xuất hiện vào mùa hè. Khi nhiệt độ nóng lên thì những trường hợp bị sốc nhiệt cũng tăng theo, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Bất kỳ ai cũng có thể bị sốc nhiệt. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ tăng lên khi hoạt động thể chất ngoài trời, đặc biệt là với người trên 65 tuổi hay đang dùng các loại thuốc khiến cơ thể tăng độ nhạy cảm với nhiệt độ cao.
Các triệu chứng có thể quan sát được của sốc nhiệt là da đỏ bừng, nóng và khô bất thường, lưỡi cũng khô, nhiệt độ cơ thể nóng, co giật hoặc hôn mê. Ngoài ra, người bị sốc nhiệt sẽ cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất phương hướng, mê sảng, nói lắp, mạch đập nhanh và cực kỳ khát nước.
Khi nghi ngờ một người bị ngất xỉu do sốc nhiệt thì cần phải thực hiện ngay lập tức các biện pháp can thiệp. Trong trường hợp nghiêm trọng, sự chậm trễ có thể gây tử vong.
Một trong những điều đầu tiên cần làm là hãy đưa người ngất xỉu vào nơi mát hơn để hạ nhiệt cơ thể. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C. Việc đưa nạn nhân vào nơi mát hơn sẽ giúp thân nhiệt sớm giảm xuống.
Ngoài ra, chúng ta cần áp dụng một số biện pháp giúp làm mát cơ thể nạn nhân như quạt, đồng thời dùng miếng bọt biển, khăn để làm ướt da. Nếu nạn nhân còn nhận thức được thì hãy cho họ uống nước hay đồ uống thể thao có chứa chất điện giải.
Chườm túi nước đá lên nách, háng, cổ và lưng nạn nhân. Đây là nơi có nhiều mạch máu gần da, chườm lạnh vào sẽ giúp thân nhiệt giảm nhanh. Nếu có thể, hãy tưới nước lên cơ thể họ bằng vòi nước, vòi hoa sen hay ngâm trong bồn nước.
Nên đặt nạn nhân ở tư thế ngồi hoặc nằm với chân kê cao khoảng 30 cm để cải thiện lưu thông máu đến não và ngăn sưng phù chân.
Vì sốc nhiệt có thể gây tử vong nên sau khi thực hiện các bước sơ cứu này, nạn nhân cần phải được đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu. Thông thường, người bị sốc nhiệt chỉ cần vài ngày là có thể hồi phục, nhưng nếu cơ quan quan nội tạng bị ảnh hưởng thì cần lâu hơn, theo Medical News Today.