Bệnh trĩ phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Thống kê của Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia (Mỹ) cho thấy khoảng 50% người trung niên và người già đang mắc bệnh trĩ. Tùy vào mức độ và loại trĩ mà bệnh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hay không, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Một trong những điều mà mọi người có thể làm để giảm nguy cơ bị trĩ là tránh rặn quá mạnh khi đại tiện. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san World Journal of Gastroenterology cho biết rặn mạnh khi đại tiện sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng.
Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên các tĩnh mạch trực tràng, từ đó làm hạn chế lưu lượng máu quay trở lại tim. Hệ quả là làm các tĩnh mạch trực tràng phình lên và gây trĩ.
Đối với một số người, cảm giác khó chịu mà bệnh trĩ mang đến là tương đối nhẹ. Trong khi đó, một số khác lại cực kỳ khó chịu, nhất là những trường hợp bị trĩ nặng, làm sa búi trĩ. Khi đó, búi trĩ nội sẽ phình ra khỏi hậu môn và gây đau đớn.
Để giảm nguy cơ trĩ, mọi người không nên rặn quá mạnh khi đại tiện. Trong một số trường hợp, chúng ta cần phải rặn để việc đại tiện sớm hoàn tất. Những trường hợp này thường là do vội vã và không có nhiều thời gian. Nhưng những lần sau thì cần tránh việc này và không để nó thành thói quen.
Tuy nhiên, có một tình trạng khiến việc rặn khi đại tiện trở thành điều thường xuyên, đó là táo bón. Nếu bị táo bón kéo dài thì cần có biện pháp can thiệp, chẳng hạn dùng thuốc.
Ngoài rặn mạnh, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ là ngồi nhiều, thiếu nước, uống nhiều rượu bia, ăn quá ít chất xơ, thường xuyên ăn đồ cay, và béo phì. Do đó, thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc trĩ.
Cụ thể, mọi người cần thường xuyên tập thể dục. Nếu phải làm những công việc đòi hỏi ngồi nhiều thì thỉnh thoảng hãy đứng dậy đi lại để giảm áp lực lên tĩnh mạch hậu môn. Chế độ ăn hằng ngày cần ưu tiên các món giàu chất xơ như rau củ, trái cây và kết hợp uống nhiều nước. Cách ăn này sẽ giúp giảm táo bón, từ đó ngăn nguy cơ bị trĩ, theo Medical News Today.