Chỉ sau 5 ngày đau đầu, tê tay chân thì dáng đi của chị N.L.K (43 tuổi, ở TP.HCM) thay đổi. Chị bước đi khó khăn, tay không thể cầm nắm và liệt. Ngay khi chị K. nhập viện Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã hội chẩn với Trung tâm Khoa học thần kinh. Sau khi được chụp CT-scan sọ não và xét nghiệm máu, dịch não tủy, đo điện cơ, chị K. được các bác sĩ chẩn đoán mắc phải hội chứng Guillain-Barré. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến khoa ICU để tiến hành thay huyết tương.
Sau lần thứ 4 thay huyết tương, chị K. đã đi lại được, chị tự dùng bút viết thư cảm ơn bác sĩ và điều dưỡng. Đến lần thứ 5 thay huyết tương, tay và chân của chị K. hồi phục bình thường và chị được xuất viện.
Tương tự, ông C.V.C (53 tuổi, Việt kiều Mỹ) cùng gia đình đi du lịch thì mắc bệnh. Lúc đầu, ông tê tay và chân nhưng chỉ dùng dầu nóng xoa bóp. Bốn ngày sau, khi ông thức giấc, cố lấy điện thoại để xem giờ nhưng không thể nhúc nhích tay và chân. Chuyến du lịch của ông C. và gia đình phải dừng lại để đưa ông đi cấp cứu.
Sau lần thứ 5 thay huyết tương, ông C. cử động tay chân, đi lại, cầm nắm bình thường.
Bác sĩ CKI Vương Mỹ Dung, khoa ICU, cho biết hội chứng Guillain-Barré thường xảy ra sau nhiễm trùng, gây đáp ứng miễn dịch tạo nên các kháng thể làm tổn thương dây thần kinh hoặc gián đoạn chức năng dẫn truyền của dây thần kinh ngoại biên, kết nối các dây thần kinh xuất phát từ não và tủy sống đến phần còn lại của cơ thể như chi trên (cánh tay, cẳng tay, bàn tay); chi dưới (đùi, cẳng chân, bàn chân); các cơ quan nội tạng trong cơ thể, khớp và thậm chí cả miệng, mắt, tai, mũi và da, dẫn đến tình trạng liệt tứ chi.
Dựa trên kết quả xét nghiệm và triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ thống nhất thay huyết tương cứu sống người bệnh khẩn cấp. Bởi nếu không được thay huyết tương kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như liệt cơ hô hấp, yếu cơ hầu họng gây khó nuốt, ảnh hưởng hệ thần kinh thực vật và có thể tử vong.
Điều trị hiệu quả khi xuất hiện triệu chứng 7-14 ngày
Tỷ lệ người mắc hội chứng Guillain-Barré khoảng 1/100.000 người, có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Bác sĩ Vương Mỹ Dung cho biết phương pháp thay huyết tương (Plasma exchange – PEX) trong điều trị Guillain-Barré hoạt động bằng cách lấy huyết tương có chứa kháng thể gây bệnh ra khỏi cơ thể người bệnh và thay bằng huyết tương mới không chứa kháng thể gây bệnh. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau và số lần thay huyết tương cũng khác. Phương pháp thay huyết tương là dạng kỹ thuật cao đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm, thuần thục.
Tuy nhiên, cả khi sử dụng thuốc hay thay huyết tương thường chỉ có hiệu quả cao nhất nếu được điều trị sau khi xuất hiện triệu chứng của bệnh từ 7 đến 14 ngày. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh như: Yếu cơ, tê hay ngứa ran tay và chân, nuốt nghẹn hay nuốt sặc, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị sớm.
Đạt đỉnh vào mùa hè
Bác sĩ CKI Trần Nguyễn Uyên Dung, khoa Nội thần kinh, Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết hiện y văn vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây hội chứng Guillain-Barré nhưng thường liên quan đến nhiễm trùng, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp trên và viêm dạ dày ruột. Chính sự liên quan mật thiết với nhiễm trùng nên có sự khác biệt về tỷ lệ mắc mới giữa các mùa trong năm. Nhiều nghiên cứu ở các nước phương Tây gợi ý rằng đỉnh bệnh thường gặp vào mùa đông, trong khi ở một số nước châu Á thì lại đạt đỉnh vào các tháng mùa hè.