Bác sĩ bác sĩ CK.2 Lư Huỳnh Thanh Thảo, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thông tin tại hội nghị khoa học thường niên Liên chi hội Da liễu TP.HCM lần thứ 20 năm 2024 vào ngày 26.5.
Tiêm tan cằm đôi ở nơi không phép
Theo bác sĩ Thanh Thảo, thời gian qua, khoa Thẩm mỹ da đã tiếp nhận nhiều ca tai biến, trong đó có các ca điều trị cằm đôi bằng phương pháp tiêm tan mỡ, hay tạo hình cằm bằng tiêm chất làm đầy. Các bệnh nhân nhập viện có tình trạng loét hoại tử vùng tiêm, u hạt, viêm mô mỡ, áp xe nhiễm trùng…
Cụ thể, nữ bệnh nhân nữ 60 tuổi (ở TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đến một spa tại tỉnh nhà để được tiêm chất tan mỡ vùng nọng – cằm đôi. Sau hai tuần, nốt tiêm sưng nề, sờ đau và bệnh nhân đã dùng thuốc nhưng không giảm. Bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM và được chẩn đoán viêm mô mỡ dưới da sau tiêm tan mỡ nọng cằm.
Trường hợp khác, nữ bệnh nhân nữ 34 tuổi (ở Đồng Nai) có cằm đôi và mong muốn điều trị bằng cách tiêm tan mỡ nên bệnh nhân đã đến một spa để được tiêm tan mỡ, nhưng không rõ loại. Sau hai ngày, bệnh nhân cảm thấy sưng đau, nóng rát vùng tiêm nên đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân có những ổ tụ dịch tại vùng nọng cằm và được chẩn đoán viêm áp xe sau tiêm tan mỡ điều trị cằm đôi.
Trường hợp thứ 3 là nữ bệnh nhân 23 tuổi (ở Cà Mau) mong muốn điều trị cải thiện vùng cằm bằng cách tiêm chất làm đầy vùng cằm. Bệnh nhân được tiêm tại nhà, sau tiêm bệnh nhân sưng đau vùng cằm, nhưng điều trị thuốc không giảm. Bệnh nhân cũng đã tiêm giải chất làm đầy nhiều lần nhưng vẫn còn sưng đỏ kéo dài nên đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
“Các nguyên nhân dẫn đến tai biến như bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở và spa không được cấp phép về y tế là do người tiêm không phải bác sĩ được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật nên tiêm không đúng, tiêm vào các vùng nguy hiểm hoặc không đảm bảo quy tắc vô khuẩn khi điều trị…”, bác sĩ Thanh Thảo thông tin.
Cằm đôi là gì?
Theo bác sĩ Thanh Thảo, cằm đôi là tình trạng vùng dưới cằm trở nên đầy hơn, xuất hiện một nếp gấp da giữa mặt và cổ, góc cổ mở rộng hơn 120 độ và thường đi kèm mất đường viền của đường viền hàm dưới và góc hàm.
Tình trạng cằm đôi có xuất hiện kể cả ở người trẻ tuổi do tình trạng khiếm khuyết xương cằm, xương móng đóng thấp hay do sự tích tụ mỡ vùng dưới da cũng như tình trạng da chùng nhão, sa trễ ở người lớn tuổi…
Bác sĩ Thanh Thảo cũng cho biết, thống kê cho thấy nam và nữ giới có cằm đôi thường kém hấp dẫn hơn, 78% số người cho rằng sở hữu cằm đôi ít đáng yêu hơn. Năm 2017, khảo sát của Hiệp hội phẫu thuật da liễu Mỹ chỉ ra rằng 73% số người được hỏi cảm thấy khó chịu vì cằm đôi. Vì lý do thẩm mỹ nên hầu hết người có cằm đôi (kể cả nam và nữ) đều có nhu cầu điều trị nhằm giảm hoặc biến mất vùng dư thừa này giúp khuôn mặt trở nên trẻ trung, thon gọn hơn.
Dù là phương pháp điều trị nào (tiêm tan mỡ, tiêm chất làm đầy, phẫu thuật, sử dụng các thiết bị phát năng lượng nhằm làm giảm mỡ), người dân cũng cần đến cơ sở y tế và bác sĩ được cấp phép, có tay nghề để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Hội nghị khoa học thường niên Liên chi Hội da liễu TP.HCM lần thứ 20 với chủ đề “Cải tiến chất lượng trong chăm sóc và điều trị bệnh da liễu”. Hội nghị còn có sự phối hợp tổ chức của Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Liên chi Hội da liễu TP.HCM, cho biết chủ đề hội nghị năm nay tập trung vào sự cải tiến chất lượng trong chăm sóc và điều trị bệnh da liễu. Hội nghị tập trung vào những lĩnh vực như bệnh da viêm mạn tính, nhiễm khuẩn lây qua tình dục, thẩm mỹ da, phẫu thuật da. Đặc biệt, phiên tiếng Anh nhằm cập nhật những vấn đề mới về da liễu thẩm mỹ của các chuyên gia.
Năm nay, Liên chi Hội da liễu TP.HCM sẽ tiếp tục trao giải thưởng lần thứ hai cho 7 hội viên có thành tích trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Giải thưởng này sẽ được duy trì hằng năm nhằm ghi nhận và thúc đẩy những đóng góp trong nghiên cứu khoa học chuyên ngành da liễu.