Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 5 trên thế giới. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày là người trên 60 tuổi, nam giới, tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh, thừa cân, uống rượu bia, hút thuốc và từng phẫu thuật dạ dày, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Một số bằng chứng nghiên cứu còn cho thấy ung thư dạ dày có liên kết với một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori, hay gọi tắt là H.pylori. Cụ thể, nhiễm H.pylori làm tăng nguy cơ ung thư vì vi khuẩn này sẽ làm tổn thương các mô dạ dày và gây viêm. Hậu quả là gây loét dạ dày. Một số ít trường hợp là dẫn đến ung thư dạ dày.
Tỷ lệ mắc vi khuẩn H.pylori ở các nước phát triển thấp hơn các nước đang phát triển, nơi mà vệ sinh thực phẩm và chất lượng nước kém hơn. Điều này có thể giải thích một phần nguyên nhân ung thư dạ dày phổ biến hơn các nước đang phát triển, tiến sĩ Sunnie Kim, chuyên gia tại Trung tâm Ung thư Đại học Colorado (Mỹ), cho biết.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nutrients cho biết ăn quá nhiều muối cũng có thể thúc đẩy sự xâm nhập của vi khuẩn H.pylori trong dạ dày. Ăn quá nhiều muối sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến tổn thương và cuối cùng là ung thư dạ dày.
Những gì chúng ta đưa vào cơ thể thông qua chế độ ăn uống sẽ có tác động đáng kể đến giấc ngủ, mức năng lượng, sức khỏe tổng thể và kể cả nguy cơ mắc ung thư. Ăn quá nhiều thực phẩm ngâm và lên men, thịt hun khói, thịt chế biến, thịt nướng và không ăn trái cây, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, rau quả đều có thể liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.
Ngoài các yếu tố nguy cơ, điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh ung thư dạ dày. Nếu gặp các triệu chứng như khó tiêu, đau dạ dày, phân đen giống như nhựa đường và sụt cân không rõ nguyên nhân, thì người bệnh cần đi bác sĩ khám càng sớm càng tốt, theo Healthline.