Trong 2 ngày 24 – 25.7, Bệnh viện Bình Định tổ chức tư vấn, khám điều trị cho các bệnh nhân có bệnh lý về đột quỵ, tập huấn kỹ năng chẩn đoán và điều trị bệnh lý đột quỵ cho các y bác sĩ của bệnh viện. Trong đó có sự tham gia của TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Theo đó, TS-BS Nguyễn Bá Thắng đã truyền đạt những kiến thức chuyên sâu về kỹ năng xử lý, chẩn đoán và điều trị bệnh lý đột quỵ cho các y bác sĩ của Bệnh viện Bình Định nhằm giúp các bác sĩ bồi dưỡng thêm kiến thức để điều trị tốt cho người bệnh.
Trong ngày 25.7, TS-BS Nguyễn Bá Thắng cùng các bác sĩ ở Bệnh viện Bình Định đã khám, tư vấn cho hàng chục bệnh nhân có bệnh lý về đột quỵ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS-BS Nguyễn Bá Thắng cho biết, khi bệnh nhân có các triệu chứng nghi bị đột quỵ cần vào viện sớm, kịp khoảng “thời gian vàng” để các bác sĩ cấp cứu, điều trị.
Có 2 biện pháp xử lý bệnh đột quỵ, gồm: Dùng thuốc chích và dùng dụng cụ để can thiệp. Mỗi kỹ thuật đều có “thời gian vàng” khác nhau, nên khi bị đột quỵ, bệnh nhân cần vào viện trong khoảng thời gian sớm nhất có thể.
“Các triệu chứng để nhận biết bị đột quỵ, gồm: Mặt méo, tay chân bị yếu hoặc liệt, lời nói bị ú ớ hoặc nói không được… Nếu xảy ra bất kỳ triệu chứng nào như trên, cần đưa người bệnh vào bệnh viện ngay để kịp thời cấp cứu”, TS-BS Nguyễn Bá Thắng nói.
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu ô xy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.