PGS-TS-BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Tại Việt Nam, hiện có nhiều loại thuốc giảm đau mà người bệnh có thể tự mua về dùng một cách dễ dàng. Lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài là tình trạng khá phổ biến ngày nay, dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe. Bệnh không những không hết, mà còn để lại nhiều biến chứng nặng nề trên đường tiêu hóa, thận, tim mạch và cơ xương khớp.
Để giảm đau nhanh và nghĩ rằng bệnh không quan trọng, nhiều người bệnh đã tự ý mua thuốc giảm đau mà không có chỉ định của bác sĩ. Trong đó, thuốc kháng viêm corticosteroid là một trong những thuốc giảm đau mà người bệnh thường sử dụng, có thể mua ở bất kỳ nhà thuốc tây y nào, hoặc có trong thành phần thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y. Thuốc có tác dụng giảm đau nhanh và mạnh nên người bệnh rất thích sử dụng, tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc lâu dài sẽ gây ra nghiện thuốc và rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, một trong số đó là loãng xương dẫn đến mục, gãy xương không do chấn thương hoặc sau một chấn thương nhẹ.
BS Cao Thanh Ngọc cho biết người bệnh không nên tự ý mua thuốc giảm đau để điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc corticosteroid có thể gây ra những hậu quả không tốt, làm tình trạng loãng xương thêm nặng và khó kiểm soát.
Uống thuốc giảm đau chỉ là giải pháp tạm thời, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị dứt điểm căn bệnh gây đau của mình.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa: Đúng liều lượng (không tự ý thay đổi hoặc tăng liều), đúng thời điểm (uống thuốc sau khi ăn no) và đúng thời gian điều trị (không dùng thuốc quá lâu). Để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần chủ động thông báo cho bác sĩ về các tình trạng sức khỏe đang có như viêm dạ dày, bệnh tim mạch và các thuốc đang sử dụng kèm theo, từ đó bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thuốc giảm đau phù hợp…
Cũng theo BS Cao Thanh Ngọc, loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương, đặc trưng bởi sự giảm mật độ xương và chất lượng xương. Xương bị giảm sức mạnh, trở nên yếu dẫn đến gãy xương với chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương, thường gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay (gọi là gãy xương do loãng xương). Một số trường hợp xương bị gãy phải điều trị phẫu thuật với chi phí tốn kém.
Loãng xương tiến triển âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu, người bệnh không biết mình bị loãng xương cho đến khi gặp các biến chứng như gãy xương. Gãy xương là một biến chứng nguy hiểm của loãng xương gây đau đớn, biến dạng, mất khả năng vận động, tàn phế, giảm tuổi thọ, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Theo ghi nhận có đến 20% gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu, 50% mất khả năng đi lại, 25% cần sự trợ giúp của nhân viên y tế chăm sóc tại nhà, chi phí điều trị rất tốn kém.