Nguy cơ đầu tiên của việc hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần là tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Vì nhiệt độ nóng rồi lạnh thay đổi nhiều lần sẽ kích thích vi khuẩn sinh sôi, đặc biệt là trong khung nhiệt độ từ 4 đến 60 độ C, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ngoài ra, thực phẩm hâm đi hâm lại sẽ bị mất hương vị, thay đổi kết cấu và giảm giá trị dinh dưỡng. Trên thực tế, nhiều dưỡng chất có lợi sẽ mất đi nếu tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao. Không những vậy, một số chất do tác động của nhiệt độ cao còn có thể biến thành chất có hại, làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Hâm nóng thức ăn là cần thiết nhưng cần tránh hâm đi hâm lại với các loại thực phẩm sau:
Cơm
Trên thực tế, nhiều loại gạo có chứa một số bào tử vi khuẩn và chúng vẫn tồn tại trong cơm ngay cả khi đã nấu chín. Nếu để cơm ở nhiệt độ phòng quá lâu thì chúng sẽ phát triển thành vi khuẩn và sinh sôi. Khi chúng ta hâm cơm lại thì nhiệt độ nóng sẽ khiến các vi khuẩn này trở nên độc hại và gây ngộ độc thực phẩm.
Rau chân vịt
Rau chân vịt là loại thực vật bổ dưỡng, đặc biệt là hàm lượng nitrat tự nhiên có tác dụng làm giãn mạch máu, nhờ đó cải thiện huyết áp. Tuy nhiên, nitrat nếu bị hâm nóng quá nhiều lần thì sẽ biến thành nitrit và chất này có thể gây hại cho sức khỏe.
Thịt gà
Hâm nóng không đúng cách sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi trong thịt gà, đặc biệt là khi gà không được bảo quản tốt. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên hâm nóng thịt gà ở nhiệt độ từ 75 độ C trở lên. Tuy nhiên, chỉ nên hâm một lần vì hâm nhiều lần sẽ làm giảm đi lượng protein trong thịt, theo Healthline.