Đến sáng nay 14.6, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) đang điều trị tích cực hai bố con là bệnh nhân Đ.V.D (38 tuổi) và bệnh nhân 11 tuổi là con trai anh D. Hai bệnh nhân này đã được chẩn đoán: viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết.
Trước đó ít ngày, mẹ và con gái anh D. đã tử vong cùng triệu chứng ban đầu. Đây là 2 ca tử vong không rõ nguyên nhân tại địa phương.
Bệnh nhân Đ.V.D (38 tuổi) cho biết, chỉ trong vòng 5 ngày, 2 người trong gia đình anh đã tử vong. Đầu tiên là con gái (22 tháng tuổi) xuất hiện sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng liên tục, kèm theo nổi ban xuất huyết vùng gối và mặt sau lan ra toàn thân, lơ mơ, ăn uống kém. Gia đình đưa cháu đến trung tâm y tế gần nhà khám và điều trị. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên, nhưng đã tử vong sau đó.
3 ngày sau, mẹ của anh D. sốt cao, đi ngoài phân lỏng nhiều lần kèm theo nổi ban xuất huyết. Bà nhập viện và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và tử vong sau vài giờ vào viện, hôm 10.6.
Sau cái chết của mẹ và con gái, bệnh nhân và con trai (11 tuổi) cũng xuất hiện biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn sau ăn, không đại tiện phân lỏng.
Ngày 10.6, bệnh nhân và con trai nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, được chẩn đoán viêm màng não và chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị ngay sau đó.
Theo cập nhật từ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, được chẩn đoán đúng, sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, đến sáng nay, 2 bệnh nhân đang ổn định hơn, tỉnh táo, ăn được, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
“Cả 2 bệnh nhân đáp ứng điều trị, không còn hôn mê, các tình trạng nhiễm trùng giảm dần”, tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết.
“Đối với hai người trong gia đình bệnh nhân D. đã tử vong đều chưa xác định được căn nguyên nhưng nguy cơ cao có thể do nhiễm não mô cầu”, thạc sĩ – bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng Khoa Cấp Cứu, đánh giá.
Theo bác sĩ Trung Cấp, với viêm màng não do não mô cầu, bệnh có thể xảy ra với 2 thể bệnh. Trong đó, thể thứ nhất là viêm màng não mủ (thường có triệu chứng sốt cao, có thể đau đầu, co giật. Khi nặng có lơ mơ, hôn mê và nặng nữa có phù não và tử vong). Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị sớm, nhìn chung tiên lượng khả quan, có cơ hội cao hồi phục, ít di chứng xảy ra.
Còn với thể hai đặc biệt nghiêm trọng do não mô cầu gây ra là bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết tối cấp. Thường bệnh nhân sẽ có sốt cao, có các ban hoại tử trên nhiều vùng da, và một số thậm chí tử vong nhanh chóng trong thời gian ngắn, chỉ 1 – 2 ngày. Nhẹ hơn thì cũng trong tình trạng trầm trọng đòi hỏi các biện pháp điều trị tích cực thì bệnh nhân mới có thể qua khỏi.
Nguồn bệnh và lây truyền
Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Thời gian ủ bệnh từ 2 – 10 ngày, thông thường từ 3 – 4 ngày.
Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra.
Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu và tính cảm nhiễm giảm dần theo tuổi. Sau khi nhiễm vi khuẩn, kể cả các trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, cơ thể vẫn sinh miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết rõ thời gian miễn dịch đặc hiệu sau khi nhiễm khuẩn.
Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh do não mô cầu nhóm huyết thanh A, B, C, Y, W-135.
(Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)