Theo bác sĩ Phạm Văn Cường (Khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108), qua thực tế điều trị cho thấy, nhiều người có những quan điểm chưa đúng về đột quỵ, từ đó dẫn đến người bệnh mất cơ hội vàng điều trị và hệ lụy để lại là vô cùng nặng nề, thậm chí tử vong.
Đi ngủ khi có dấu hiệu đột quỵ là sai lầm không hiếm gặp
“Chủ quan và có tâm lý “đợi xem có tự hồi phục không” rồi mới đi viện là sai lầm thường gặp ở những người bị đột quỵ nhẹ”, bác sĩ Cường cho hay.
Các triệu chứng đột quỵ nhẹ thường gặp như: có cơn chóng mặt, đau đầu hoặc bị tê bì chân tay, mệt mỏi. Tuy nhiên, khá nhiều người thường bỏ qua triệu chứng này, chủ quan và vào giường nằm ngủ một giấc xem có khỏe lại không. Đáng tiếc, đa số các trường hợp khi tỉnh dậy đã ở trong tình trạng nặng hoặc rất nặng, đến viện mất đi cơ hội điều trị trong giờ vàng.
Khoa Can thiệp mạch thần kinh (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) từng tiếp nhận nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đột quỵ rất nặng. Tối hôm trước, bệnh nhân này cảm thấy chóng mặt nhưng đã nằm nghỉ, đợi sáng hôm sau xem có đỡ không. Sáng hôm sau, khi người nhà phát hiện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng hôn mê, nên vội đưa vào viện.
“Đáng tiếc, trường hợp này vào viện quá muộn, dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã tử vong sau 3 ngày do đột quỵ não quá nặng”, một bác sĩ điều trị chia sẻ.
Hay một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 72 tuổi. Buổi tối trước nhập viện, bệnh nhân bị liệt nhẹ, nói khó nhưng chủ quan không đến viện. Sau đó, bệnh nhân đi ngủ và tình trạng đột quỵ vẫn tiếp tục nặng lên nhưng không thể nhận biết. Sáng hôm sau, người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng ý thức lơ mơ.
“Khi được chuyển đến bệnh viện, kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân trong tình trạng xuất huyết nửa bán cầu não và quá giờ vàng điều trị. May mắn sau đó bệnh nhân vẫn được cứu sống nhưng bị liệt hoàn toàn”, bác sĩ Cường cho hay.
Giờ vàng điều trị đột quỵ
Theo bác sĩ Cường, tùy phương pháp điều trị, giờ vàng cho điều trị đột quỵ sẽ ở trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tiếng.
Với người bệnh đưa đến sớm trong khoảng từ 3 – 4 tiếng rưỡi khi bị đột quỵ, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông. Ngoài ra, có một phương pháp khác là đưa dụng cụ chuyên dụng vào vùng tổn thương để lấy cục máu đông ra và chỉ định này chỉ có thời gian trong vòng 6 tiếng từ khi bị đột quỵ.
“Nếu quá thời gian vàng thì não tổn thương rất nhiều và không có chỉ định can thiệp như đã nói trên, khi đó não cũng không có khả năng phục hồi vì khi bị tắc mạch máu não, mỗi phút trôi qua sẽ có 2 triệu tế bào não bị chết đi”, bác sĩ Cường thông tin.
Bác sĩ Cường cho biết, có một số sai lầm thường gặp khác với người bị đột quỵ não, mà các bác sĩ cũng thường gặp, đó là cạo gió, châm kim nặn máu.
Khi bệnh nhân bị đột quỵ thường có những biểu hiện như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu… Chính những biểu hiện này nên nhiều người cho rằng người bệnh bị cảm và tiến hành đánh gió, cạo gió bằng nhiều cách. Tuy nhiên, việc cạo gió không có tác dụng khi bị đột quỵ, mà nó chỉ làm mất thời gian vàng điều trị.
Hoặc, châm kim vào đầu tay cũng là “mẹo” được truyền tai rất nhiều khi ai đó bị đột quỵ. Dù vậy, việc châm vào đầu ngón tay cho chảy máu không thể cứu được người bệnh, ngược lại còn khiến bệnh tình nặng hơn, vì cơn đau khi châm có thể làm tăng huyết áp của bệnh nhân.