Tình trạng ở tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến dạ dày là do vị trí và chức năng của tuyến tiền liệt trong cơ thể. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ bằng quả óc chó, nằm ở phía trước trực tràng và bàng quang, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Chức năng chính của tuyến tiền liệt là tiết ra một chất dịch đặc biệt, đóng vai trò hết sức quan trọng với quá trình tạo thành tinh dịch. Vì chất dịch được tiết ra từ tuyến tiền liệt cần phải trộn với các chất dịch khác của tinh dịch nên tuyến tiền liệt được kết nối với niệu đạo.
Trong điều kiện bình thường, tuyến tiền liệt không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, nếu tuyến sinh dục này bị phình to, hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt, thì sẽ gây ra một số triệu chứng khó chịu.
Tuyến tiền liệt phình to sẽ chèn ép vào các cấu trúc giải phẫu xung quanh. Nguy cơ mắc phì đại tuyến tiền liệt sẽ tăng lên khi nam giới bước qua tuổi 40. Các thống kê cho thấy khoảng 90% nam giới từ 80 tuổi trở lên đang mắc phì đại tuyến tiền liệt.
Tuyến tiền liệt phình to sẽ ảnh hưởng đến bàng quang và niệu đạo. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như khó tống hết nước tiểu trong bàng quang ra ngoài, dòng nước tiểu yếu. Trong trường hợp nặng, phì đại tuyến tiền liệt sẽ khiến nước tiểu có máu, sốt, gây đau và sưng ở bụng, từ đó ảnh hưởng đến dạ dày.
Tùy vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp. Những trường hợp bị phì đại tuyến tiền liệt nhẹ sẽ được điều trị bằng thuốc. Hai loại thuốc thường dùng là thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế reductase.
Nếu thuốc không có tác dụng thì bác sẽ sẽ can thiệp bằng phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp ít xâm lấn.
Phì đại tuyến tiền liệt dù khó chịu nhưng có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả. Ngoài ra, một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy tình trạng này sẽ không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, theo Medical News Today.