Ngoài ra, nhiều cha mẹ còn có tâm lý e ngại với vắc xin phòng dại, không muốn cho con tiêm.
“Nếu trẻ không may bị súc vật tấn công, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại kịp thời”, TS-BS Đào Hữu Nam lưu ý.
Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, để chủ động bảo vệ trẻ, khi trẻ không may bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước, cần được rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch ít nhất 15 phút. Sát khuẩn bằng cồn i ốt hoặc cồn y tế 70 độ để giảm thiểu vi rút tại nơi xâm nhập. Sau khi xử lý vết thương, cần khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để xử trí vết thương và tiêm phòng kịp thời. Không nặn hoặc bóp vết thương cho máu chảy. Không làm tổn thương rộng hơn hoặc làm dập nát. Không băng kín vết thương. Tuyệt đối không tự chữa trị cho trẻ.
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại VN, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Để phòng bệnh dại, các gia đình nhất thiết phải tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Khi đưa chó ra đường, phải đeo rọ mõm, cài dây dẫn. Cần hướng dẫn trẻ không trêu chọc chó, mèo và quan sát, trông nom trẻ cẩn thận.
Cha mẹ đặc biệt lưu ý: Tiêm phòng dại là biện pháp bắt buộc khi trẻ bị chó, mèo dại cắn.