Bộ não cần cholesterol để hoạt động khỏe mạnh. Phần lớn lượng cholesterol mà cơ thể sử dụng do gan tạo ra. Phần còn lại sẽ hấp thụ qua thức ăn, chẳng hạn thịt hay mỡ động vật, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Tuy nhiên, ăn quá nhiều thịt, nhất là thịt mỡ có thể làm tăng mức cholesterol trong máu. Một trong những tác động thường gặp nhất khi nồng độ cholesterol trong máu tăng cao là hình thành các mảng xơ vữa trong thành động mạch. Tình trạng này tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
Với não, mức cholesterol cao trong máu trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ, trong đó Alzheimer. Các nghiên cứu cho thấy gia tăng cholesterol máu góp phần vào sự khởi phát của bệnh Alzheimer. Tác động này chủ yếu đến từ cholesterol “xấu” LDL.
Ngoài việc, cholesterol cao trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và trí nhớ. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy mức cholesterol trong máu tăng đôi chút có thể cải thiện khả năng học tập và trí nhớ. Tuy nhiên, nếu tăng quá cao và trong thời gian dài sẽ làm suy giảm khả năng nhận thức.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa cholesterol và chức năng nhận thức rất phức tạp. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên duy trì mức cholesterol trong máu ở ngưỡng khỏe mạnh. Điều này giúp các chức năng não được hoạt động tối ưu, đồng thời không gây hại cho sức khỏe.
Một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm soát cholesterol trong máu là áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này có nghĩa là ăn nhiều rau củ, trái cây và ăn vừa phải các món có nhiều chất béo như thịt mỡ động vật.
Một thói quen khác cũng rất quan trọng là tập thể dục thường xuyên. Tập luyện giúp cơ thể đốt calo, ngăn chặn tình trạng dư thừa calo và tích tụ thành mỡ thừa. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy tập thể dục đều đặn có thể giúp giảm từ 30-40% chất béo trung tính. Lượng chất béo này cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, theo Medical News Today.