Bé trai 12 tuổi là bệnh nhi đầu tiên trong năm nay mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội, sau khi đã tiêm 4 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản.
Muỗi truyền bệnh
Lưu ý thêm về mắc bệnh dù đã tiêm vắc xin, một chuyên gia về vắc xin của Bộ Y tế, cho biết bé trai 12 tuổi nói trên có tiền sử tiêm 4 mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Mũi cuối cùng được tiêm ngày 15.6.2019. Như vậy, không được tiêm nhắc lại, như hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cụ thể, theo hướng dẫn, vắc xin viêm não Nhật Bản cần tiêm chủng 3 liều cơ bản, gồm: mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 – 2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3 năm cần tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
“Với ca bệnh viêm não Nhật Bản nêu trên, mũi cuối được tiêm vào tháng 6.2019, để củng cố miễn dịch, sau mũi 4, bé cần được tiêm nhắc lại sau 3 năm. Dù vậy, khi trẻ được tiêm các mũi cơ bản, phần lớn sẽ giảm được mức độ nặng, nếu không may bị mắc bệnh”, chuyên gia này chia sẻ.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952.
Nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim, và một số loài bò sát. Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn do dễ bị nhiễm virus và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình.
Ngoài ra một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của virus. Viêm não Nhật Bản truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm virus (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 2 loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Culex. tritaeniorhynchus và Culex.vishnui. Đây là hai loài muỗi thường sinh sản và trú đậu ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên được gọi là muỗi đồng ruộng.
Muỗi thường bay đi hút máu súc vật hoặc máu người vào lúc chập tối, truyền bệnh sang người. Muỗi sinh sản và phát triển nhiều vào mùa hè lúc nắng nóng, mưa nhiều, như thời điểm hiện tại, tại miền Bắc.
Lưu ý về thời điểm tiêm chủng
Để phòng các bệnh dịch mùa hè và bệnh viêm não Nhật Bản, các gia đình cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vắc xin trong đó có vắc xin viêm não Nhật Bản bởi vì tiêm vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh, như viêm não Nhật Bản.
Một chuyên gia về vắc xin của Bộ Y tế, cho hay, riêng vắc xin viêm não Nhật Bản, tỷ lệ bảo vệ đạt 95 – 100%. Tuy nhiên, để hiệu quả bảo vệ tốt nhất, cần tiêm trước mùa dịch, tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vì viêm não Nhật Bản thường tăng cao vào các tháng mùa hè, từ tháng 5 – tháng 8. Vắc xin này được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, triển khai trên cả nước.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 15 tuổi. Do đó, sau các mũi cơ bản, trẻ cần tiêm nhắc lại, theo tư vấn của nhân viên tiêm chủng, cho đến 15 tuổi.
Trước 1997, khi Việt Nam chưa triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ nhỏ, viêm não Nhật Bản từng chiếm tới 61,3% trong số các ca viêm não do virus. Sau nhiều năm triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản tại nước ta, tỷ lệ mắc bệnh này đã giảm đáng kể, hiện chiếm khoảng 10 – 15% trong số các trường hợp mắc bệnh viêm não virus.
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính do virus viêm não Nhật Bản gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh T.Ư, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% – 20%.