Trẻ được hội chẩn và chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM). Ngày 27.5, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tại thời điểm nhập viện, trẻ li bì tím tái, X-quang phổi cho thấy tổn thương lan tỏa 2 bên phổi, xẹp đỉnh phổi. Trẻ được chẩn đoán viêm phổi nặng do cúm A/H1.
Trẻ được điều trị tích cực với thở máy thông số cao, tư thế nằm sấp, kháng sinh phổ rộng, sử dụng thuốc kháng vi rút, an thần giãn cơ, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan. Hội chẩn ê kíp tiến hành can thiệp ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Diễn tiến trẻ phức tạp, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng nặng, sốt, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao, suy hô hấp tiếp tục diễn tiến nặng. Các bác sĩ đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan.
Kết quả sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của trẻ cải thiện dần. Trẻ được cai ECMO, sau đó cai được máy thở, tỉnh táo tiếp xúc tốt.
Khuyến cáo phòng bệnh cúm
Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo phòng bệnh cúm với các lưu ý như sau:
1. Khi có dấu hiệu: Ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp vào môi trường xung quanh.
3. Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà nhất là khi bạn có dấu hiệu mắc bệnh cúm.
4. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
5. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
6. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
7. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.