Thông tin trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị tăng huyết áp Việt Nam lần thứ 6 năm 2024 với chủ đề “Giao thoa tăng huyết áp với các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa”, diễn ra tại TP.Cần Thơ trong 2 ngày 14 – 15.6.
Hội nghị được phối hợp tổ chức bởi Phân hội tăng huyết áp Việt Nam, Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ, Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và Bệnh viện Tim mạch TP.Cần Thơ. Hội nghị nhận được hơn 200 bài tham luận của các báo cáo viên là GS, PGS, TS, BS trong và ngoài nước.
Theo GS-TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất trong bệnh lý tim mạch, gây tỷ lệ tử vong. Tại Việt Nam, theo kết quả tầm soát của chương trình tháng 5 đo huyết áp (MMM), từ 2017 đến nay, tỷ lệ tăng huyết áp chiếm đến 30,1% ở người trên 18 tuổi; chỉ 1/3 những người được điều trị tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp mục tiêu của họ theo khuyến cáo hiện tại.
Mặc dù có nhiều biện pháp và chương trình hành động nhưng tỷ lệ bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam vẫn chưa được khống chế. Rất đáng lo ngại khi tăng huyết áp có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tuy nhiên, do căn bệnh này không có triệu chứng, không lây nhiễm nên nhiều người vẫn chưa quan tâm đúng mức về sự nguy hiểm tiềm ẩn của nó.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết ước tính mỗi năm, thế giới có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca do biến chứng từ tăng huyết áp. Dự kiến sắp tới con số này sẽ còn nhiều hơn do dân số toàn cầu đang gia tăng và già hóa. Ðây là gánh nặng ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội toàn cầu, do di chứng bệnh tật cũng như chi phí điều trị. Vì vậy, mỗi người trên 18 tuổi hãy đến các cơ sở y tế để được đo huyết áp, kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Mức huyết áp mục tiêu cần đạt được là 140/80 mmHg hoặc thấp hơn tùy theo bệnh lý đi kèm hoặc đặc điểm riêng của từng người.