Ngày 11.5, Khoa Nhi (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, khoa vừa nhận thông báo kết quả xét nghiệm chính thức của Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận bé gái 11 tháng tuổi bị ngộ độc chì và asen (2 kim loại nặng) do dùng “thuốc cam”.
Trước đó, chiều 8.5, Khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận một bé gái 11 tháng tuổi đến từ xã Hưng Trạch (H. Bố Trạch) nhập viện vì co giật. Qua khai thác bệnh sử, được biết, 2 tuần trước bé bị sốt, gia đình đã cho bé uống một loại thuốc bột do nhà hàng xóm cho. Sau đó 1 tuần bé bị nhiệt miệng, gia đình lại tiếp tục cho bé uống và rơ miệng cũng bằng loại thuốc tương tự nhưng mua ở chợ.
“Quan sát biểu hiện của bệnh nhân kết hợp thăm khám, chúng tôi đã đưa ra chẩn đoán bé bị ngộ độc chì do sử dụng ‘thuốc cam’, là loại thuốc mà cháu đã được gia đình cho uống và bôi miệng. Ngộ độc chì do ‘thuốc cam’ được cảnh báo khá nhiều ở các tỉnh miền Bắc, nhưng đây là trường hợp đầu tiên được phát hiện và chẩn đoán tại bệnh viện. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cháu bé đã được chuyển lên tuyến trên trong ngày 9.5. Tuy nhiên, nguy cơ bé bị di chứng thần kinh rất cao. Hiện, bé được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương”, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới) cho biết.
Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe, gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày – đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì, nhưng các loại thuốc nam được dân gian gọi là “thuốc cam” dùng để bôi, uống là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì nặng, để lại di chứng nặng nề, thậm chí khiến bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời.
Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần tin tưởng vào các phương pháp điều trị đã được y học chứng minh. Không nên nghe theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, không tự ý mua và cho trẻ dùng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành, đặc biệt là “thuốc cam”. Bên cạnh đó phải thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi không bảo đảm chất lượng có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác.