Trang Chủ Tin TứcSức Khỏe Bác sĩ chia sẻ lợi ích tuyệt vời của rau sam

Bác sĩ chia sẻ lợi ích tuyệt vời của rau sam

bởi flsvn


TS-BS Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho biết rau sam là loại cây thân thảo, mọng nước, thân có màu xanh nhạt hoặc hơi đỏ, thường bò lan sát mặt đất. Thân cây phân nhánh nhiều, dài khoảng 10-30 cm. Lá có màu xanh đậm, không có cuống hoặc cuống rất ngắn.

Rau sam phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, rau sam thường mọc hoang ở các bãi đất trống, ven đường, bờ ruộng, vườn nhà. Cây rau sam thích nghi tốt với nhiều loại đất, chịu hạn tốt nhưng không chịu úng. Cây phát triển mạnh vào mùa hè, khi nhiệt độ và độ ẩm cao.

Bác sĩ chia sẻ lợi ích tuyệt vời của rau sam- Ảnh 1.

Rau sam có nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe

Một số tác dụng của rau sam

Chống viêm: Rau sam có tác dụng chống viêm, giúp giảm các triệu chứng viêm nhiễm.

Hỗ trợ tiêu hóa: Giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.

Chống oxy hóa: Bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do.

Tăng cường hệ miễn dịch: Nhờ vào hàm lượng vitamin và khoáng chất cao.

Giảm nguy cơ bệnh tim: Omega-3 trong rau sam có tác dụng tốt cho tim mạch, giúp giảm cholesterol xấu.

Theo đông y, rau sam có vị chua, tính hàn, quy kinh can, đại trường, giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu và chỉ thống.

Chữa lở ngứa: Dùng rau sam tươi giã nát, đắp lên vùng da bị lở ngứa hoặc nấu nước rửa.

Chữa kiết lỵ: Sử dụng rau sam sắc uống hằng ngày.

Chữa giun sán: Rau sam có thể giúp tẩy giun hiệu quả.

Chữa tiểu buốt, tiểu rắt: Rau sam có tác dụng lợi tiểu, giúp giảm các triệu chứng này.

Giá trị dinh dưỡng

Rau sam là một loại rau giàu dinh dưỡng với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số thành phần dinh dưỡng quan trọng bao gồm:

Vitamin A: Giúp cải thiện thị lực và hỗ trợ hệ miễn dịch.

Vitamin C: Giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm đẹp da.

Vitamin E: Chống oxy hóa, bảo vệ tế bào.

Khoáng chất: Bao gồm canxi, magie, kali và sắt, giúp xương chắc khỏe và hỗ trợ chức năng cơ thể.

Omega-3: Chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch.

Bác sĩ chia sẻ lợi ích tuyệt vời của rau sam- Ảnh 2.

Rau sam thường được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc

Liều lượng và cách dùng

Liều lượng: Theo các tài liệu y học cổ truyền, liều dùng rau sam thường từ 50-100 g rau tươi mỗi ngày. Nếu dùng dưới dạng sắc thuốc, có thể dùng 15-30 g rau khô.

Cách chế biến:

  • Dạng nước sắc: Lấy rau sam rửa sạch, đun sôi với nước trong khoảng 15-20 phút, sau đó lọc bỏ bã, uống nước.
  • Dạng đắp ngoài da: Rau sam tươi giã nát hoặc nấu nước, dùng để rửa hoặc đắp lên vùng da bị bệnh.
  • Dùng làm thực phẩm: Rau sam có thể được chế biến thành các món ăn như xào, nấu canh, làm nộm.

Theo BS Bùi Phạm Minh Mẫn, dù rau sam rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi dùng cũng cần lưu ý những điều sau:

  • Không dùng cho người có tỳ vị hư hàn: Vì rau sam có tính hàn, những người tỳ vị hư hàn, hay bị tiêu chảy không nên dùng.
  • Phụ nữ có thai nên thận trọng: Rau sam có thể gây co bóp tử cung, do đó, phụ nữ có thai nên hạn chế hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Không dùng quá liều: Dùng quá nhiều rau sam có thể gây lạnh bụng, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy.

BS Lê Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho biết rau sam có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, giúp bồi bổ cơ thể.

Canh rau sam nấu tôm

Nguyên liệu:

  • 200 g rau sam tươi
  • 100 g tôm tươi
  • Hành khô, tỏi
  • Gia vị: Muối, tiêu, nước mắm, dầu ăn

Cách làm:

  • Rau sam rửa sạch, cắt khúc ngắn.
  • Tôm lột vỏ, rút chỉ đen, băm nhỏ hoặc để nguyên con tùy thích.
  • Hành khô, tỏi băm nhỏ, phi thơm với dầu ăn.
  • Cho tôm vào xào cùng, nêm chút muối, tiêu.
  • Thêm nước vừa đủ nấu canh, đun sôi.
  • Cho rau sam vào, nấu chín mềm, nêm nếm gia vị vừa ăn.
  • Múc canh ra tô, rắc thêm chút hành lá nếu thích.

Rau sam xào tỏi

Nguyên liệu:

  • 200 g rau sam tươi
  • 3, 4 tép tỏi
  • Gia vị: Muối, hạt nêm, dầu ăn

Cách làm:

  • Rau sam rửa sạch, để ráo.
  • Tỏi băm nhỏ.
  • Phi thơm tỏi với dầu ăn.
  • Cho rau sam vào xào nhanh tay trên lửa lớn, nêm muối, hạt nêm vừa ăn.
  • Khi rau chín tới, tắt bếp, múc ra đĩa, dùng nóng.

Nộm rau sam

Nguyên liệu:

  • 200 g rau sam tươi
  • 1 quả cà chua
  • 1 củ hành tím
  • Rau thơm (húng quế, rau mùi)
  • Gia vị: Muối, đường, nước mắm, chanh, ớt

Cách làm:

  • Rau sam rửa sạch, trụng qua nước sôi, để ráo.
  • Cà chua thái lát mỏng.
  • Hành tím thái mỏng, ngâm nước đá cho giòn.
  • Rau thơm rửa sạch, thái nhỏ.
  • Pha nước trộn nộm: 2 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường, 1 muỗng nước cốt chanh, ớt băm.
  • Trộn đều rau sam, cà chua, hành tím và rau thơm với nước trộn.
  • Để ngấm gia vị khoảng 10 phút rồi bày ra đĩa, dùng ngay.

Cháo rau sam

Nguyên liệu:

  • 50 g gạo tẻ
  • 200 g rau sam tươi
  • 100 g thịt nạc băm
  • Gia vị: Muối, hạt nêm, hành lá

Cách làm:

  • Gạo vo sạch, nấu cháo với nước vừa đủ.
  • Rau sam rửa sạch, thái nhỏ.
  • Khi cháo chín nhừ, cho thịt nạc băm vào, khuấy đều.
  • Nêm gia vị vừa ăn, cho rau sam vào, đun sôi lại.
  • Múc cháo ra tô, rắc thêm hành lá thái nhỏ, dùng nóng.




Source link

Bạn có thể thích

Translate »