Trong số được chẩn đoán, có 12.900 được điều trị, và 12.500 được điều trị khỏi, còn lại có thể là thất bại điều trị, hoặc bỏ điều trị. Bệnh viêm gan C do vi rút viêm gan C gây ra.
Với viêm gan B (HBV), Bộ Y tế cho biết VN nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỷ lệ nhiễm HBV khoảng 8% dân số, năm 2019). HBV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
Bác sĩ Huyền cho biết cả vi rút viêm gan B và C đều không lây qua đường ăn uống. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, nếu chung sống với người nhiễm viêm gan B hoặc viêm gan C thì cũng dễ lây nhiễm hơn nếu dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay… Đa phần người Việt bị viêm gan mạn tính, đôi khi không có biểu hiện rõ rệt. Đến khi có biểu hiện trên nền bệnh mạn thì có nghĩa là bệnh đã tiến triển nặng, ở giai đoạn muộn và điều trị khó khăn. Lúc này tiên lượng xấu và chi phí điều trị rất cao, đồng thời thời gian sống còn lại ngắn, nếu đã tiến triển ung thư.
Do đó, người dân khi chưa có triệu chứng nên chủ động sàng lọc viêm gan B và C, ít nhất một lần trong đời. Chi phí sàng lọc khá rẻ, từ 54.000 – 110.000 đồng/lần xét nghiệm với viêm gan B. Viêm gan C xét nghiệm sàng lọc có giá từ 74.000 – 120.000 đồng. Các xét nghiệm sàng lọc có độ nhạy, độ đặc hiệu rất tốt, 95 – 100%.
Hiện viêm gan B đã có vắc xin. Riêng trẻ nhỏ được tiêm miễn phí trong tiêm chủng mở rộng. Viêm gan C hiện chưa có vắc xin. Cả viêm gan B và C có thuốc điều trị.