Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm tiểu đường Steno Odense, Bệnh viện Đại học Odense (Đan Mạch) muốn tìm hiểu xem thời lượng giấc ngủ ảnh hưởng thế nào đến mối nguy đáng sợ này ở người bệnh tiểu đường.
Họ đã phân tích giấc ngủ và mô hình sức khỏe của gần 400 người ở độ tuổi trung bình là 62, đã mắc bệnh tiểu đường trung bình 3,5 năm.
Những người tham gia chủ yếu là người thừa cân và phải uống thuốc hạ huyết áp, được đeo máy đo thời lượng giấc ngủ vào ban đêm.
Thời lượng giấc ngủ vào ban đêm được chia thành 3 loại:
Ngủ ít: Ngủ ít hơn 7 tiếng.
Tối ưu: Từ 7 tiếng đến ít hơn 9 tiếng.
Ngủ nhiều: Từ 9 tiếng trở lên.
Kết quả đã phát hiện những người ngủ ít có nguy cơ mắc bệnh vi mạch cao gấp 2,6 lần so với người có thời gian ngủ tối ưu. Đặc biệt, ở người từ 62 tuổi trở lên, ngủ ít làm tăng nguy cơ tổn thương vi mạch lên đến gấp 5,7 lần so với thời gian ngủ tối ưu.
Tương tự, những người ngủ nhiều có nguy cơ mắc bệnh vi mạch cao gấp 2,3 lần so với thời gian ngủ tối ưu, theo trang tin Euro Alert.
Người bệnh tiểu đường nên ngủ bao nhiêu là tốt nhất?
Các tác giả nghiên cứu cho biết, đối với bệnh nhân tiểu đường, ngủ ít và ngủ nhiều đều làm tăng tỷ lệ mắc bệnh vi mạch cao hơn so với thời gian ngủ tối ưu vào ban đêm.
Theo các nhà nghiên cứu, thời lượng ngủ tối ưu là từ 7 tiếng đến dưới 9 tiếng mỗi ngày, theo Euro Alert.
Các chuyên gia cho biết tổn thương mạch máu nhỏ do bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm mù lòa, suy thận, tổn thương thần kinh, đột quỵ và bệnh tim.
Trong đó, bệnh võng mạc và bệnh thận là những biến chứng lớn nhất. Điều đáng báo động là gần 1/5 số người mắc bệnh tiểu đường phát triển các vấn đề về thận, có khả năng cần phải lọc máu hoặc ghép thận.