Măng cụt có nhiều lợi ích sức khỏe nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health.
Sau đây, chuyên gia dinh dưỡng Amy Brownstein, nhà tư vấn dinh dưỡng người Mỹ, chia sẻ những lợi ích của quả măng cụt.
Trong y học cổ truyền, măng cụt có thể điều trị nhiễm trùng, vết thương, viêm nhiễm và tiêu chảy.
Sở dĩ măng cụt có đặc tính dược liệu là nhờ hàm lượng cao chất xanthones, chất chống oxy hóa độc đáo có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, rất quan trọng để ngăn ngừa tổn thương tế bào và bệnh mạn tính.
Loại quả tim tím này cũng rất giàu dinh dưỡng, ít calo nhưng giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và các vitamin, khoáng chất.
Măng cụt nổi tiếng với nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ làm đẹp da, hỗ trợ chức năng miễn dịch, tăng cường tiêu hóa, chống viêm, cho đến giúp kiểm soát cân nặng, bảo vệ tim, ngăn ngừa bệnh Alzheimer và chống lại trầm cảm.
Sau đây là 3 lợi ích sức khỏe quan trọng nhất của măng cụt.
Ngăn ngừa bệnh mạn tính, giúp sống thọ
Măng cụt là nguồn cung cấp chất xơ đáng kể, vốn là dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường loại 2, ung thư đại trực tràng và tử vong sớm.
Cải thiện độ nhạy insulin
Chiết xuất măng cụt có thể cải thiện tình trạng kháng insulin bằng cách làm cho cơ thể nhạy hơn với insulin. Độ nhạy insulin là mức độ cơ thể phản ứng với insulin, loại hormone chịu trách nhiệm đưa glucose (đường) ra khỏi máu và vào tế bào để sử dụng làm năng lượng.
Nghiên cứu cho thấy bổ sung 400 mg chiết xuất măng cụt mỗi ngày trong 26 tuần đã giảm đáng kể nồng độ insulin và các dấu hiệu viêm ở phụ nữ béo phì, theo Verywell Health.
Tác dụng chống ung thư
Nhờ đặc tính chống oxy hóa, măng cụt được chú ý vì được sử dụng làm chất bổ trợ trong điều trị ung thư. Măng cụt cũng có thể tăng cường hiệu quả của một số loại thuốc trị ung thư. Chiết xuất măng cụt có thể giảm bớt tác dụng phụ hoặc tăng hiệu quả của thuốc điều trị ung thư.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chất alpha-mangostin trong măng cụt có khả năng ức chế sự lây lan và phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết và ung thư vú.
Nghiên cứu cũng phát hiện chất mangostin có thể ức chế “hoạt động chống lại thuốc điều trị” của tế bào ung thư. Vì vậy, kết hợp bổ sung măng cụt với thuốc trị ung thư có thể làm tăng hiệu quả của thuốc, theo Verywell Health.