Trang Chủ Tin TứcSức Khỏe Những yếu tố nào khiến bệnh viêm màng não mô cầu dễ lây lan?

Những yếu tố nào khiến bệnh viêm màng não mô cầu dễ lây lan?

bởi flsvn


Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết bệnh viêm màng não do não mô cầu bắt nguồn từ nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis, còn được gọi là não mô cầu. Vi khuẩn này thường tồn tại trong vùng mũi, vòm họng, lây qua người thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện và gây nguy hiểm nếu nó đi qua màng não và máu. Khi bị nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis theo đường máu, vi khuẩn di chuyển len lỏi qua các mạch máu, bám vào thành mạch và gây các biểu hiện ở da và não.

“Ở da và niêm mạc, nhiễm trùng não mô cầu trong mạch tạo ra các tổn thương da xuất huyết. Những tổn thương này có thể nhanh chóng lan rộng, dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Ở não, khi não mô cầu bám vào mạch máu, chúng có thể xuyên qua hàng rào máu não và gây viêm màng não mô cầu dẫn đến sốc nặng khi xâm nhập vào màng não”, bác sĩ Lịch chia sẻ.

Ai dễ mắc viêm màng não mô cầu?

Tất cả mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng rất thấp và tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm dần khi lứa tuổi tăng lên. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm màng não mô cầu, bao gồm:

  • Trẻ em: Nhóm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên 15-24 tuổi.
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý mạn tính, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc cấy ghép nội tạng.
  • Người sinh sống, làm việc, đi du lịch đến khu vực đang bùng phát dịch viêm màng não mô cầu.
  • Người mang vi khuẩn: Nhóm này có nguy cơ cao lây truyền cho người khác, bao gồm cả trẻ em.
Những yếu tố nào khiến bệnh viêm màng não mô cầu dễ lây lan?- Ảnh 1.

Trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ cao bị mắc viêm màng não mô cầu

Những yếu tố khiến bệnh viêm màng não mô cầu dễ lây lan

Theo bác sĩ Lịch, có một số yếu tố khiến bệnh bệnh viêm màng não mô cầu dễ lây lan như:

  • Thời tiết khí hậu cuối mùa khô – đầu mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển nhanh và gây bệnh cho người.
  • Một số môi trường dễ lây nhiễm vi khuẩn như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá sinh viên, doanh trại…
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá: Hít phải khói thuốc lá có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Bệnh lý mạn tính: Một số bệnh lý mạn tính như bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và bệnh thận có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Viêm màng não mô cầu nguy hiểm như thế nào?

Viêm màng não mô cầu là một bệnh lý nguy hiểm do tiến triển nhanh và có thể gây tử vong. Chỉ trong 24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, bệnh có thể cướp đi sinh mạng người khỏe mạnh.

Ở thể tối cấp: Tỷ lệ tử vong lên đến 80% chỉ trong 6-12 giờ sau khi phát bệnh. Ở thể viêm màng não mủ: Tỷ lệ tử vong 30-40% ngay cả khi được điều trị tích cực.

Biến chứng có thể gặp của viêm màng não mô cầu là hoại tử chi, phải cắt bỏ chi; mất thính lực; tổn thương não như suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi; tổn thương thận, rối loạn tâm lý.

Những yếu tố nào khiến bệnh viêm màng não mô cầu dễ lây lan?- Ảnh 2.

Viêm màng não mô cầu là một bệnh lý nguy hiểm vì tiến triển nhanh và có thể gây tử vong

Dấu hiệu nhận biết, phân biệt với cúm mùa

Bác sĩ Lịch cho biết, viêm màng não mô cầu thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như:

  • Sốt cao đột ngột từ 39-40 độ C, có khi đến 41 độ C, đau đầu dữ dội
  • Cổ cứng: Triệu chứng này thường liên quan đến bệnh viêm màng não cầu khuẩn và viêm màng não.
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
  • Phát ban bao gồm các nốt nhỏ trông sẫm màu, có màu đỏ và tím hoặc vùng lớn hơn trông giống như vết bầm tím trong vòng 1-2 ngày sau sốt.

Trường hợp sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng với biểu hiện mạch nhanh, hạ huyết áp, thiểu niệu, vô niệu, đông máu nội mạch rải rác, suy thượng thận, suy đa tạng, có thể tử vong trong 24 giờ.

Theo bác sĩ Lịch, biểu hiện của bệnh ban đầu khá giống bệnh cúm mùa, dễ gây nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường, khiến việc chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần theo dõi những triệu chứng của bệnh, sau 9-15 tiếng khởi phát, người bệnh có thể xuất hiện ban da, lạnh tay chân, cứng cổ, sợ ánh sáng. Sau 16-24 tiếng có thể co giật, mê sảng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy nên thăm khám sớm khi có nghi ngờ mắc bệnh để điều trị kịp thời.

Phòng ngừa viêm màng não mô cầu

“Tiêm vắc xin là cách dự phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu tối ưu nhất cho trẻ nhỏ cũng như các đối tượng khác. Ngoài ra, các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay, sát khuẩn họng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng cũng có thể phòng viêm màng não mô cầu lây lan và trở thành dịch”, bác sĩ khuyến cáo.




Source link

Bạn có thể thích

Translate »