Sáng nay 24.5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, lãnh đạo Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Trường đại học Vinh) đã trao giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Dược học trình độ đại học của Học viện Y, dược học cổ truyền Việt Nam.
Tại buổi lễ, PGS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y, dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết học viện đang đào tạo 3 mã ngành trình độ đại học (y học cổ truyền, y khoa và dược học); 7 mã ngành trình độ sau đại học.
Từ năm 2022, học viện là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam được mở 2 ngành chuyên khoa 1 về châm cứu và dược lý, dược học cổ truyền theo hướng đào tạo chuyên môn chuyên sâu về lĩnh dược tại các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền.
Bộ Y tế đang phê duyệt đề án đưa Học viện Y, dược học cổ truyền Việt Nam vào danh sách các trường đại học trọng điểm ngành y học cổ truyền quốc gia. Đây là tiền đề cho học viện triển khai dự án cơ sở 2, quy mô 17 ha tại H.Quốc Oai (Hà Nội) trong thời gian tới.
Nhiều cơ sở đào tạo y học cổ truyền chưa theo chuẩn
Cũng trong sáng nay, hội thảo góp ý Dự thảo danh mục đào tạo chuyên khoa ngành Y học cổ truyền đã được Học viện Y, dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, PGS Trịnh Thị Diệu Hường (đại diện Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế), đánh giá hiện nhiều chương trình đào tạo y học cổ truyền chưa thực hiện kiểm định theo chuẩn quy định, chưa có khung chương trình đào tạo bác sĩ y học cổ truyền toàn quốc, do đó, chương trình đào tạo bác sĩ y học cổ truyền giữa các trường không đồng bộ.
Nhiều giảng viên chưa được đào tạo giảng dạy theo chuẩn đầu ra, chuẩn năng lực, tập huấn các phương pháp giảng dạy mới. Nhiều cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, đặc biệt là tình trạng thiếu các điều kiện phục giảng dạy theo xu thế mới (phòng học thông minh, trang bị hệ thống IT). Đáng lưu ý, nhiều cơ sở đào tạo chưa phân các chuyên khoa trong đào tạo y học cổ truyền. Thực tế đó ảnh hưởng đến chất lượng bác sĩ khi hành nghề, ảnh hưởng đến chuyên môn khi hành nghề.
Bộ Y tế cho biết, cơ sở đào tạo bác sĩ y học cổ truyền ngày càng tăng, trong đó có cơ sở công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng đầu vào của sinh viên, đặc biệt cách thức triển khai chương trình đào tạo, năng lực tổ chức đào tạo của các cơ sở chưa đồng nhất, vì vậy, năng lực bác sĩ y học cổ truyền tốt nghiệp cũng khác nhau.
Do đó, từ 2022, Bộ Y tế đã quy định các trường đào tạo và các bác sĩ y học cổ truyền cần đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng cung cấp dịch vụ y tế không đạt chất lượng hay sai lầm do thiếu năng lực chuyên môn.
Theo chuẩn năng lực bác sĩ y học cổ truyền của Bộ Y tế, bác sĩ y học cổ truyền phải đạt 5 chuẩn: hành nghề theo quy định của pháp luật; hành nghề theo tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; hành nghề phù hợp với điều kiện thực tế về văn hóa, kinh tế, xã hội; học tập suốt đời cho phát triển cá nhân và nghề nghiệp; thiết lập môi trường làm việc hành nghề an toàn và hiệu quả.
Theo đó, bác sĩ y học cổ truyền chỉ hành nghề trong phạm vi chuyên môn được cấp phép; thực hiện báo cáo các hành vi vi phạm trong chuyên môn, hành nghề với cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân với những báo cáo đó.
Bác sĩ y học cổ truyền phải chịu trách nhiệm cá nhân đưa ra những quyết định và can thiệp chăm sóc sức khỏe người bệnh, cộng đồng; nhận biết các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh trong khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh; tôn trọng người bệnh, giữ thông tin bí mật liên quan đến người bệnh.
Đồng thời, chỉ được phép công bố thông tin khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, chăm sóc với những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.