Sau khi ghi nhận các vụ độc thực phẩm tại các tỉnh, thành, với cả ngàn người có triệu chứng cần theo dõi y tế và nhập viện khám, điều trị, sáng nay 21.5, Bộ Y tế chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, từ các vụ ngộ độc tại Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc với nhiều người mắc, Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức hội nghị này.
“An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn là vấn đề an sinh, chất lượng nhân lực lao động sản xuất. Đã có các vụ ngộ độc với số người mắc tương đối lớn, ảnh hưởng lao động sản xuất. Do đó, an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng, nóng bỏng, đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành quan tâm, tham dự đầy đủ và chỉ đạo triển khai. Tránh xảy ra ngộ độc mới chạy theo chữa, giải quyết” ông Tuyên nhấn mạnh.
Theo Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả đối với các nước có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến.
Để dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có cả nguyên nhân khách quan như: thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật.
Đáng lưu ý, Cục An toàn thực phẩm nhận định, ngộ độc thực phẩm còn có cả nguyên nhân chủ quan như: sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt, dẫn đến tình trạng các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Các địa phương còn tình trạng không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về kinh doanh các sản phẩm nông sản do ngành nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát an toàn thực phẩm.
Hoặc các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến gây ra ngộ độc thực phẩm.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc
Ông Tuyên nhấn mạnh, trước đây chúng ta chỉ chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng hiện tại, cần quan tâm đảm bảo về an ninh thực phẩm. Đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh cũng thảo luận tìm ra giải pháp về thể chế tổ chức thực hiện tại cơ sở, các cơ quan, đơn vị, để hạn chế ngộ độc nếu có chỉ quy mô nhỏ, số người người ngộ độc thấp nhất, tử vong thấp nhất.
Theo Bộ Y tế, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Sự phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành, từ T.Ư đến địa phương đã rõ ràng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở.
Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long lưu ý thêm, qua điều tra về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm gần đây cho thấy, nguyên nhân phần lớn do nhiễm vi khuẩn, vẫn còn thực phẩm không truy được nguồn gốc. Hoặc có các thực phẩm là nguyên liệu nhập khẩu có nguồn gốc nhưng thực tế sau khi chế biến vẫn nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc.
Do đó, an toàn thực phẩm cần đảm bảo suốt quá trình, từ nguồn gốc, vận chuyển phân phối, bảo quản, chế biến thực phẩm.
5 tháng đầu năm nay tăng hơn 1.000 người so với 5 tháng 2023, dù số vụ không nhiều, nhưng số vụ lớn trên 30 người tăng so với 2023. Riêng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, số mắc tăng hơn 500 người so với cùng kỳ 2023.
Nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc chủ yếu do ô nhiễm vi sinh vật, nhưng vẫn còn tình trạng chưa xác định được đầy đủ các nguyên nhân do không lấy được mẫu thực phẩm xét nghiệm.
(Cục An toàn thực phẩm)