Canxi ở mức thấp sẽ dẫn đến tình trạng cực kỳ mệt mỏi, khiến chúng ta cảm thấy như bị thiếu năng lượng. Thậm chí, thiếu canxi cũng có thể dẫn đến mất ngủ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ngoài ra, thiếu loại khoáng chất quan trọng này còn khiến xương yếu, dễ bị nứt gãy. Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của thiếu canxi. Canxi là chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương, duy trì sức mạnh và mật độ xương.
Khi lượng canxi trong cơ thể xuống thấp, xương trở nên yếu và giòn, dễ bị nứt gãy hơn bình thường. Với phụ nữ, đây là vấn đề sức khỏe cần quan tâm đặc biệt vì họ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới.
Chuột rút và co thắt cơ là một triệu chứng hay gặp khác của thiếu canxi. Canxi rất cần thiết cho quá trình co cơ. Do đó, hàm lượng khoáng chất này quá thấp sẽ dẫn đến chuột rút và co thắt cơ, đặc biệt là ở tay, chân. Những người bị thiếu canxi thời gian dài còn bị chuột rút ở lưng, ngứa ran ở bàn tay, bàn chân.
Điều này do canxi đóng vai trò quan trọng trong chức năng thần kinh. Hàm lượng khoáng chất này thấp sẽ làm cản trở các tín hiệu thần kinh, dẫn đến cảm giác tê và ngứa. Khi canxi trong máu giảm đến mức nghiêm trọng thì có thể xuất hiện các cơn co thắt cơ không tự chủ và gây đau đớn.
Để tránh tình trạng thiếu hụt canxi, mọi người cần bổ sung đầy đủ canxi trong chế độ ăn hằng ngày. Những món giàu canxi có thể kể đến gồm sữa, các sản phẩm làm từ sữa, rau lá xanh, cá hồi, đậu phụ. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lựa chọn những thực phẩm được tăng cường hàm lượng canxi, chẳng hạn như một số loại nước trái cây, ngũ cốc ăn liền.
Tập thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia đều có thể tăng cường sức khỏe của xương và giảm nguy cơ phát triển bệnh loãng xương. Một điều quan trọng nữa là cần nạp đủ vitamin D. Nhờ có vitamin vitamin D, cơ thể sẽ hấp thụ tốt canxi. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ giúp da tạo lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể, theo Healthline.