Ngày 15.4, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó chủ nhiệm khoa Phụ sản, Bệnh viện Quân y 175, cho biết chị V.T.T (52 tuổi) đặt vòng tránh thai chứa đồng vào năm 2020 tại một bệnh xá. Sau khi đặt vòng được 5 tháng, chị bắt đầu thấy đau mỏi lưng và có đi khám sức khỏe tại cơ quan, chụp X-quang phát hiện có 2 vòng tránh thai. Sau đó chị đi siêu âm kiểm tra lại thấy chỉ có 1 vòng tránh thai nằm đúng vị trí trong tử cung. Từ đó đến nay, chị vẫn thường xuyên đau ê ẩm lưng và vùng bụng dưới, đi siêu âm không ghi nhận bất thường.
Một tháng nay chị thấy đau bụng dưới liên tục nhiều hơn, đi khám tại Bệnh viện Quân y 175, chụp CT Scanner ổ bụng, được chẩn đoán có 2 vòng tránh thai: 1 vòng nằm đúng vị trí trong tử cung, 1 vòng lạc chỗ trong ổ bụng nằm giữa tử cung và bàng quang. Ngay sau đó, chị đã nhập viện để điều trị.
Trường hợp thứ 2 là chị N.T.N.Y (24 tuổi). Chị Y. mổ lấy thai vào tháng 9.2022. Sau mổ 2 tháng, chị Y. đi đặt vòng tránh thai chứa đồng và không đi khám phụ khoa kiểm tra vòng theo lịch hẹn. Gần đây, chị Y. thường xuyên đau bụng lâm râm vùng hạ vị, đi khám kiểm tra tại bệnh viện phát hiện vòng tránh thai chữ T xuyên qua cơ tử cung tại vị trí sẹo mổ đẻ cũ, 2 nhánh của vòng dính sát thành bàng quang.
Bác sĩ Trang cho biết, sau khi thăm khám, kết hợp với các xét nghiệm và hình ảnh chụp CT Scanner ổ bụng, bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy vòng lạc chỗ cho 2 bệnh nhân.
Khi vào ổ bụng, trường hợp chị V.T.T có 1 nhánh ngang của vòng cắm vào mặt trước đoạn dưới cơ tử cung, 1 nhánh ngang nằm trong phúc mạc phủ mặt trước tử cung sát với trần bàng quang, thân vòng nằm ngang trong lớp cơ đoạn dưới cơ tử cung.
Trường hợp chị N.T.H.Y có tiền sử mổ lấy thai, khi vào ổ bụng mạc nối lớn dính lên thành bụng, tiến hành gỡ dính để bộc lộ rõ phẫu trường, nhìn thấy mặt trước tử cung vị trí sẹo mổ cũ dính lên thành bụng, mạc nối lớn bao trùm thành một khối ngay sát bàng quang, có một đoạn 2 mm dây vòng thò ra ngoài. Bác sĩ đã tỉ mỉ bóc tách, gỡ dính thành công và lấy trọn vòng chữ T, không ghi nhận tổn thương bàng quang.
Cả hai trường hợp đều được các bác sĩ phẫu thuật nội soi thành công trong khoảng thời gian 30 phút, sử dụng kháng sinh dự phòng và bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt, xuất viện sau 1 ngày.
Theo bác sĩ Trang, vòng tránh thai có thể di trú trong ổ bụng, cài cắm ở thành trước cơ tử cung, xuyên bàng quang, hoặc nằm trong quai ruột, thậm chí “đi lạc” vào trong cơ quan mạch máu vùng chậu. Vòng tránh thai lạc chỗ trong ổ bụng nếu không được phát hiện và gắp ra ngoài có thể gây những biến chứng như viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết,… ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Trang khuyến cáo chị em sau khi đặt dụng cụ tránh thai phải thường xuyên kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, cần đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để tránh việc vòng tránh thai “lạc chỗ” hoặc gây viêm nhiễm…
Một số lưu ý sau khi đặt vòng tránh thai
Ngoài ra, bác sĩ Trang lưu ý chị em khi tránh thai cần chú ý:
– Sau khi đặt vòng, nên duy trì việc đi khám phụ khoa theo các mốc 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Sau đó mỗi năm nên đi khám một lần để kiểm tra vị trí của vòng có đúng không, thời hạn của vòng cũng như tình trạng sức khỏe phụ khoa hiện tại;
– Nếu có những dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra;
– Không để vòng tránh thai hết hạn trọng cơ thể, tùy vào các loại vòng sẽ có thời hạn khác nhau, nên chú ý thời gian của vòng để đi thay mới, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Nên thực hiện đặt vòng tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, đảm bảo điều kiện vô trùng.